NHà THơ HOàNG CáT QUA đờI

Nhà thơ Hoàng Cát - được cho là hình tượng ''em'' trong bài thơ tình ''Biển'' của Xuân Diệu - qua đời ở tuổi 82.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết nhà thơ Hoàng Cát mất lúc 16h15 ngày 1/7, sau thời gian dài chống chọi căn bệnh ung thư.

Lễ tang của nhà thơ được tổ chức lúc 10h30 ngày 4/7, tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn. 12h cùng ngày, gia đình tổ chức truy điệu và đưa tang ông. Nhà thơ sẽ được an táng tại nghĩa trang Quán Dền, Hà Nội.

Nhiều năm thân thiết, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận thấy Hoàng Cát là người dễ xúc động, sống chân tình, cởi mở. Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, từ gặp tai nạn nghề nghiệp, chấn thương từ chiến tranh ảnh hưởng sức lao động đến bệnh tật về già, nhà thơ Hoàng Cát luôn giữ cho mình cái nhìn lạc quan, trong trẻo với cuộc đời.

Theo ông Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hoàng Cát là một người ''sống ngay thẳng, trung thực, tràn ngập yêu thương, không bao giờ đi vòng trên đường đời và trong sáng tạo thơ ca". Ông sinh năm 1942 tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi học xong Trung cấp Cơ điện Hà Nội, ông về làm công nhân tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi ấy, Hoàng Cát bắt đầu viết văn, làm thơ.

Năm 1965, Hoàng Cát vào chiến trường Thừa Thiên - Huế, sau đó bị thương, phải mang chân giả. Sau năm 1971, ông xuất ngũ về Hà Nội, tiếp tục sáng tác. Ông là tác giả của nhiều tập thơ như Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Mùa thu - tình yêu cuộc đời, Thanh thản, cùng tập truyện ngắn Chuyện tình của Xin.

Thời điểm mới làm thơ, Hoàng Cát có duyên gặp gỡ và thân thiết Xuân Diệu. Ông từng thừa nhận rằng Xuân Diệu dành cho mình một tình yêu lớn, thứ tình cảm giúp ông vượt qua những thời điểm khó khăn, đồng thời chỉ ông cách làm thơ và nuôi dưỡng ước mơ. Về phía mình, ông luôn thương và chiều chuộng Xuân Diệu hết mực.

Hoàng Cát được cho là nguồn cảm hứng để Xuân Diệu sáng tác bài thơ Biển năm 1962, mô tả những cảm xúc cháy bỏng của tình yêu đôi lứa: "Anh xin làm sóng biếc. Hôn mãi cát vàng em. Hôn thật khẽ, thật êm. Hôn êm đềm mãi mãi. Đã hôn rồi, hôn lại. Cho đến mãi muôn đời. Đến tan cả đất trời. Anh mới thôi dào dạt...''.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng từng kể trong một lần đến thăm Hoàng Cát, ông thấy trong cuốn sổ tay của nhà thơ có bài Biển và dòng chữ mà Xuân Diệu chép tay, ghi rằng: "Tặng em Hoàng Cát của anh".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết tình cảm của Hoàng Cát - Xuân Diệu xuất phát từ tình thơ, sự gắn kết của những người đồng hương, sau đó là ''tình trai'' mà thể hiện nhiều ở phía Xuân Diệu. Theo ông Nguyên, giới văn chương đều biết đến mối quan hệ này. Khi xã hội hiện đại, quan niệm yêu đồng giới cởi mở hơn, ông Hoàng Cát từng chủ động nói về tình cảm với người anh.

Một lần gặp gỡ, ông Hoàng Cát tặng nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bản thảo thơ viết bằng bút bi, gồm hai bài cho Xuân Diệu và một sáng tác về vợ trong chuyến đi Bình Định vào năm 2016. Tấm bìa bản thảo còn nguyên những nét sửa chữa của nhà thơ Hoàng Cát được ông Phạm Xuân Nguyên trân trọng, nâng niu.

Từ đây Bình Định - Quy Nhơn

Từ đây Bình Định - Quy Nhơn

Trở thành kỷ niệm vui buồn đời ta

Dấu yêu dẫu vĩnh biệt xa

Nhưng hồn thơ vẫn la đà đâu đây

Vẫn nồng say. Vẫn đắm say

Anh - Em: tay ấm "Cầm tay'' phố người...

Hỡi Người trong cõi xa xôi

Xin về đây chút -

Chút thôi...

Hỡi Người!

Diệu ơi! - Em lại khóc rồi!...

Đêm 18-5-2016

Sinh thời, Hoàng Cát trải qua những năm tháng cực khổ, phải làm 17 nghề để kiếm sống như bán nước chè, làm nem chạo, dán hộp thuốc. Khi gần 70 tuổi, ông đối diện bệnh thoát vị ổ bụng và ung thư hạch cổ. Trong thời gian ấy, nhà thơ duy trì việc sáng tác, từng ra mắt tập Cảm tạ cuộc đời (2015), cho thấy ý chí kiên cường, gửi gắm tình yêu cuộc sống.

* Một số tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cát

>> Xem thêm: Nhà thơ Hoàng Cát thanh thản giữa sống và chết

Phương Linh

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-02T18:33:30Z dg43tfdfdgfd