Các bác sĩ Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân 113 tuổi nhập viện cấp cứu, được chẩn đoán gãy cổ xương đùi phải.
BSCKII Kiều Quốc Hiền - Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, đây là trường hợp người bệnh nữ (113 tuổi, ở Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng trạng đau, hạn chế vận động háng phải... sau tai nạn sinh hoạt ngã đập háng phải xuống nền cứng.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức, giảm đau cho người bệnh và thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả chụp cắt lớp vi tính khớp háng, các bác sĩ chẩn đoán cụ bà bị gãy nền cổ mấu chuyển xương đùi phải, cần phải nhanh chóng đưa ra phương án điều trị kịp thời tránh các biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh.
Hơn nữa, cụ bà đã 113 tuổi, vì vậy, sau khi hội chẩn các bác sĩ khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã quyết định phẫu thuật thay khớp háng phải bán phần chuôi dài cho người bệnh.
Khai thác tiền sử bệnh án, theo người nhà người bệnh, tuy đã 113 tuổi nhưng hằng ngày cụ bà vẫn có thể tự vệ sinh cá nhân, thậm chí là vẫn có thể tự giặt quần áo. Trong ngày gặp tai nạn, cụ bà không may bị trượt chân ngã đập mông phải trong nhà vệ sinh, sau ngã cụ bị đau, hạn chế vận động háng phải, người nhà nhanh chóng đưa cụ bà đi cấp cứu.
Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền, việc phẫu thuật thay khớp háng cho cụ bà 113 tuổi là vấn đề rất phức tạp. Nhưng nếu không phẫu thuật, người bệnh sẽ không thể đi lại, ngồi hay vận động được khiến cho việc sinh hoạt trở nên khó khăn, là gánh nặng cho gia đình do người bệnh chỉ nằm một chỗ. Vấn đề này về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm loét da vùng tì đè, hoại tử vùng tì đè, sinh dục… thậm chí là tử vong. Do vậy, việc quyết định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp cho người bệnh giảm đau đớn, phục hồi chức năng vận động để sinh hoạt như bình thường.
Ca mổ cho cụ bà 113 tuổi nhanh chóng được tiến hành với sự phối hợp chuyên nghiệp của từng thành viên trong ekip phẫu thuật. Ngay sau mổ người bệnh đã được tập vận động thụ động chân mổ.
Sau mổ 1 ngày người bệnh có thể ngồi dậy, sau 4 ngày cụ bà đã có thể đứng lên và tập đi lại với khung đỡ, kèm sự hỗ trợ của gia đình và nhân viên y tế. Trong thời gian tới, người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng tại phòng.
Đây là trường hợp người bệnh có tuổi cao nhất được phẫu thuật bằng kỹ thuật này.
Đọc bài gốc tại đây.
2024-10-01T19:08:17Z dg43tfdfdgfd