CHUYệN VớI CON GáI 'RượU' TRăM TUổI CủA PHAN KHôI

TP - Ông Đống Việt Thắng, con trai cả của cụ Phan Thị Miều hẹn tôi đến nhà đúng tầm giờ trưa. Lát sau thấy cô giúp việc bưng bữa trưa lên cho cụ. Trên chiếc giường rộng ở tầng 2, bà cụ sinh năm 1927 nay đã 98 tuổi ta, vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng thần thái, ánh mắt gương mặt vẫn hết sức nhẹ nhõm, tinh anh. Gối đầu giường, theo đúng nghĩa đen, là mấy cuốn sách, trong đó có những cuốn cụ là tác giả.

Dòng họ lẫy lừng

Nay đã 77 tuổi nhưng ông Thắng vẫn sôi nổi, tráng kiện. Ông ngồi cẩn thận ghi lại cho tôi sơ lược niên biểu cuộc đời của mẹ, được người cha Phan Khôi đặt tên hiệu là Phan Thị Mỹ Khanh, và cụ Miều cũng lấy làm bút danh cho mình.

Ông Đống Việt Thắng gọi ông Đống Ngạc là chú họ. Ông Đống Ngạc nguyên là trợ lý riêng của Tổng Bí thư Lê Duẩn suốt 25 năm từ 1962 đến 1987, cũng là người chấp bút khởi thảo Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 dưới sự chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn cặn kẽ của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trước đó, ông từng là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

Lâu nay đọc sách về dòng họ Phan ở đất Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam), thấy bao bậc kiệt hiệt xuất hiện quanh mảnh đất này. Ông nội cụ Miều là quan Phó bảng Phan Trân, sau từ chức Tri phủ Diên Khánh về nhà. Bà nội của cụ là Hoàng Thị Lệ, con gái của quan Tổng đốc Hoàng Diệu quê làng Xuân Đài gần bên. Bà Lệ (1867-1893), mất khi mới 27 tuổi, sinh hai người con là Phan Khôi, và Phan Thị Diệm. Bà Diệm kết hôn với nhà báo, học giả Lê Dư (hiệu Sở Cuồng, cùng quê Điện Bàn), sinh ra 3 người con gái, là Lê Hằng Phương (một trong những nhà thơ nữ đầu tiên của văn học hiện đại Việt Nam, lấy chồng là nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, sinh ra những người con tài năng như họa sĩ Vũ Giáng Hương, GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng…), Lê Hằng Phấn (lấy chồng là học giả Hoàng Văn Chí), Lê Hằng Huân (lấy chồng là Vũ Nguyên Bác, tức “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn).

Mùa thu năm 1944, thiếu nữ 17 tuổi Phan Thị Miều lập gia đình với thầy giáo 24 tuổi Đống Lương, nhà ở Tam Kỳ cách sáu chục cây số. Lúc tiễn con gái về nhà chồng, người cha Phan Khôi bùi ngùi đứng nơi đầu sân, còn nghiêm khắc dặn cô con gái rượu một câu “Về nhà chồng, nhớ đừng có ăn hiếp chồng nghe con!”, khiến đằng nhà trai…giật mình.

Em ruột ông nội của cụ Miều là Phan Định, là thân phụ của nhà cách mạng nổi tiếng Phan Thanh, và Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Hồ Chủ tịch rất tin yêu, hy sinh tại chiến khu Việt Bắc năm 1947 khi mới 36 tuổi).

Con gái “rượu”

Nhà văn Phan Khôi có 8 người con với vợ đầu là bà Lương Thị Tuệ (cưới năm 1913 ở quê nhà), gồm 4 trai, 4 gái. Bốn người con gái, đều được đặt tên hiệu với chữ “Khanh”: Phan Thị Thỏa (1920-1967) là Hựu Khanh, Phan Thị Viện (1922-2012) là Bang Khanh, Phan Thị Miều là Mỹ Khanh, Phan Thị Yển (1929-1952) là Tiếu Khanh. Trong cuốn “Nhớ cha tôi Phan Khôi”, cụ Miều kể, không biết vì sao cha lại đặt hiệu cho các con gái như thế. Nhưng “tôi nghĩ như thế là cha thương con, có quan tâm đến con, biết hình dáng, tánh tình của từng đứa để dùng từ cho phù hợp”. Tính ra, với người vợ sau, Phan Khôi có thêm một người con gái nữa là bà Phan Thị Thái, sinh năm 1942, hiện đang sống ở TPHCM, nhưng không đặt tên hiệu như các chị.

Cụ Phan Thị Miều (Phan Thị Mỹ Khanh) thời trẻ, cùng hai con Đống Việt Thắng và Đống Thị Viết Hoa. Ảnh: GĐCC

Trong số các con gái, có lẽ Phan Khôi cưng chiều bé Miều nhất. Đó là được theo cha vào Sài Gòn, ra Hà Nội, ra Huế - những nơi chốn thời ấy với vùng quê xứ Quảng thật là xa xôi diệu vợi, khi mới chưa đầy 10 tuổi. “Ai cũng nói tôi là đứa được cha tôi thương yêu nhất, nhưng có lẽ không phải vậy, vì tôi cũng không có gì đặc biệt hơn mấy chị em trong nhà, và cha tôi thương yêu tất cả các con, trai cũng như gái”, cụ Miều nhớ lại.

Trong cuốn sách về cha, cụ Miều kể việc lần đầu tiên được vào Sài Gòn thăm cha (đang làm báo tại đây), trong một hoàn cảnh khá éo le. Số là năm 1932, sau 4 năm ở Sài Gòn, Phan Khôi viết thư về quê cho cha, xin phép được lấy thêm vợ hai để “giúp ông việc cơm nước, giặt giũ và bầu bạn với ông lúc xa nhà”, chứ vợ cả không thể bỏ nhà cửa, vườn tược, cha chồng già yếu cùng đàn con mà vào với chồng được. Vậy là người vợ đầu nhờ người mai mối tìm được một phụ nữ tên là Sáu 30 tuổi ở Đại Lộc, rồi dắt cô Sáu cùng hai con gái nhỏ trong đó có cụ Miều lúc này mới hơn 5 tuổi lên xe đò vào Sài Gòn. Người mẹ về trước, cô Sáu sau đó cũng về quê vì bị Phan Khôi cự tuyệt, còn lại hai con gái ở lại Sài Gòn chơi với cha. Ông đưa các con thăm thú, ăn uống nhiều nơi, cuối năm ấy đưa hai con về quê rồi ra lại xách va ly ra Hà Nội tiếp tục làm báo.

Ông Thắng bảo, cụ dạo này đã hơi lẫn rồi, chứ trước vẫn đọc sách báo và cả viết lách thường xuyên. Tôi hỏi chuyện, cụ hơi nặng tai nên ông đôi lúc phải phiên dịch. Nhưng khi tôi hỏi về năm sinh của bà Phan Thị Yển, người em kế đã mất sớm của cụ, ông Thắng đoán sinh năm 1930, liền bị cụ sửa lại là năm 1929. Rồi bà cụ 98 tuổi cầm tấm thẻ nhà báo chữ nhỏ li ti của tôi đọc lên một cách thích thú.

Mấy tháng sau, người cô ruột Phan Thị Diệm từ Hà Nội về quê đám giỗ, lúc ra Phan Khôi nhờ em gái dẫn cô bé Miều ra chơi với cha. Lúc ấy Phan Khôi cùng con trai trưởng là nhà báo Phan Thao khi ấy mới 18 tuổi. Cụ Miều nhớ lại đó là vào mùa đông, được cha sắm quần áo rét và cả bộ đồ mặc Tết. Sau cái Tết năm 1934 ấy, cô bé Miều được cha xin vào học tại trường Đồng ấu của trường Tư thục Hoài Đức do bà Huỳnh Tân người Hội An là hiệu trưởng. Học trên bà một lớp là Lê Hằng Huân con gái của cô ruột, nên nhiều khi hai chị em cùng được anh kéo xe trong nhà chở đi học.

Người con gái gần trăm tuổi của Phan Khôi với báo Tiền Phong. Ảnh: Trần Tuấn

Năm 1935, Phan Khôi ra Bắc lấy người vợ hai là bà Nguyễn Thị Huệ, 25 tuổi quê Nam Định rồi đưa vào Huế làm chủ bút báo Tràng An, sau đó lập ra báo Sông Hương. Bé Miều lại được cha đưa ra Huế bằng tàu hỏa. Về lần đầu tiên gặp dì Huệ, sau này cụ kể “Tôi mới có 9 tuổi chưa biết gì, nhưng cũng thấy đó là một phụ nữ nói năng nhỏ nhẹ và có vẻ mến trẻ con”. Thời gian nghỉ hè ở Huế, cô bé được mẹ kế chăm sóc, được cha cho đi xem xiếc, ngắm cảnh, được đưa đến tòa soạn báo Tràng An ngắm hoa quỳnh nở. Có lần nhân lúc cha đi làm, cô bé được bà chủ nhà rủ đi chơi, từ sáng tới chiều mới về. Khi về, cô con gái nhỏ bị cha nghiêm khắc la rầy, rồi bắt quỳ cả tiếng đồng hồ, nước mắt ràn rụa mà không dám khóc thành tiếng, dì Huệ có xin nhưng ông vẫn không tha.

Từ năm 1941, thời cuộc biến động, báo chí đình đốn, Phan Khôi dẫn vợ hai về quê ở suốt mấy năm liền. Mùa hè 1942, Miều lúc đó 15 tuổi, học ở Hội An, và em gái Tiếu Khanh được cha dạy chữ Hán. “Ông ngồi cặm cụi xe giấy bản, làm chỉ, đóng quyển cho chúng tôi tập viết, lại tỉ mỉ kẻ tờ giấy lồng làm bốn ô để con viết cho ngay ngắn… Là con của ông, chúng tôi hưởng được sự gia giáo của một nếp nhà, tuy nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình cảm”…

Vui buồn trăm năm

Tháng 5/1946, ở quê Phan Khôi nhận được giấy mời của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng ký, mời ra Hà Nội dự Đại hội Văn hóa toàn quốc. Sau hội nghị (tháng 11/1946), ông lên luôn Việt Bắc. Đến 1954, từ Quảng Nam, hai bà vợ cùng đàn con của Phan Khôi lần lượt tập kết ra Bắc. Riêng cụ Miều ở lại miền Nam hoạt động.

Tập hồi ký “Một cuộc đời” của cụ Miều viết xong năm 88 tuổi, không in mà chỉ để lại cho con cháu, là những kỷ niệm khắc khoải về người chồng thân yêu là ông Đống Lương. Ông Đống Lương quê làng Chiên Đàn, mảnh đất cổ xưa nhất Quảng Nam thuộc phủ Tam Kỳ, nay thuộc huyện Phú Ninh. Gia đình có 1 gái, 4 trai, ông Lương là con thứ ba, rồi đến ông Đống Ngạc.

Thời gian ra Quốc học Huế, ông Đống Lương học cùng khóa với người bạn cùng tuổi Nguyễn Kim Thành (nhà thơ Tố Hữu), và cùng sôi nổi sinh hoạt yêu nước trong tổ Thanh niên Dân chủ, để rồi bị Pháp đuổi ra khỏi ký túc xá… Học xong sư phạm ở Huế, ông về quê làm thầy giáo. Năm 1945, sau khi kết hôn với con gái Phan Khôi, ông được cử vào Quy Nhơn làm Giám đốc Trường Thanh niên Phan Anh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được mời về Quảng Nam làm Ủy viên Giáo dục huyện Điện Bàn. Năm 1954, vì bị truy quét gắt gao, ông cùng cậu con trai lớn là Đống Việt Thắng tập kết ra Bắc, làm cán bộ Khu giáo dục học sinh miền Nam rồi về Bộ Giáo dục. Năm 1964, ông xung phong về lại chiến trường miền Nam làm công tác tuyên huấn. Lúc này người vợ bồng hai con nhỏ thoát ly lên núi cùng chồng, tham gia công tác Hội Phụ nữ, rồi Ban Tuyên huấn tỉnh.

Hai ông bà có 3 con, Đống Việt Thắng là anh cả, Đống Việt Anh và em út Đống Thị Việt Hoa. Tháng 1/1971, tin dữ ập đến, người con gái út Đống Thị Việt Hoa, báo vụ viên của Quân khu đã hy sinh tại vùng núi Trà My khi mới vừa 18 tuổi. Trước đó, mùa xuân năm 1968, trong một trận đánh khốc liệt với xe tăng địch ở Tam Kỳ, ông Đống Tỵ người em út của ông Đống Lương và Đống Ngạc cũng hy sinh khi mới 24 tuổi, được phong Anh hùng LLVTND.

Năm 1973 cụ Miều được đưa ra Hà Nội chữa bệnh, đến tháng 8/1975 về Đà Nẵng. Bà cùng các con chăm sóc người mẹ ruột cũng được đưa từ Hà Nội về, khi đó bị ngã liệt nửa người. Tháng 5/1978, người vợ đầu của nhà văn Phan Khôi mất ở tuổi 83, cũng là khi cụ Miều vừa đón đứa cháu nội đầu lòng… Mười năm sau, tháng 10/1988, ông Đống Lương qua đời vì bị bệnh nặng đột ngột khi mới 68 tuổi.

Cũng từ đó, người con gái của Phan Khôi dành hết sức lực, tâm huyết để viết về cuộc đời người cha thân yêu, về người thân gia đình, dòng tộc, quê hương với hàng chục cuốn sách. Vì liên quan đến Nhân văn giai phẩm, từ giữa thập niên 1960, cái tên Phan Khôi không còn được xuất hiện trên báo chí nước nhà, cho mãi đến những năm 1990, khi hai cuốn sách của ông là “Chương Dân thi thoại”, và “Việt ngữ nghiên cứu” được NXB Đà Nẵng in lại vào các năm 1996, 1997.

Đến năm 2001, Phan Thị Miều, bút danh Phan Thị Mỹ Khanh là người con đầu tiên của Phan Khôi, cũng là tác giả đầu tiên xuất bản sách về Phan Khôi, với cuốn hồi ký “Nhớ cha tôi Phan Khôi” dày gần 300 trang, cũng tại NXB Đà Nẵng (năm 2017 in tái bản, bổ sung). Kể từ “phát pháo mở màn” đó, hàng loạt sách liên quan đến Phan Khôi, cũng như các hội thảo, tọa đàm về ông liên tục xuất hiện, vinh danh. Để rồi lần lượt các năm 2013, và 2015, học giả, nhà văn Phan Khôi được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam)…

Đọc bài gốc tại đây.

2024-09-03T08:21:09Z dg43tfdfdgfd