KHI Ký GIả 'CHơI' HồI Ký

TP - Cuối năm ngoái, may mắn tôi được nhập vào với đám cựu ký giả trong một cuộc hành phương Nam. Họ từng chung một khóa Báo chí ở Trường Tuyên huấn T.Ư những năm xa ấy. Đến Bến Tre một thành viên của Hội hưu ấy nhập đoàn. Người ấy từ TP HCM xuống trễ. Tôi bất ngờ nhận ra đó là một tay ký giả “cộm cán”!

Ở một cự ly gần

Từng có nghe, rồi những loáng thoáng đụng gặp dịp này khác do công việc. Nhưng lần đầu được đi, được chung đoàn. Cả chung phòng nữa…

Na ná tuổi tác cùng trang lứa. Nhưng tôi láng máng cái người đương khượt dài ở giường bên sau một chầu nhậu sương sương. Mà hình như lão này tửu lượng kém? Mà nữa, hình như lão cũng là một dạng “lạ”?

Hai cha con Lưu Quý Kỳ và Lưu Đình Triều ngày gặp lại sau hòa bình.

Lứa ấy, lũ chúng tôi hầu hết trong vòng tay ấm áp của bố mẹ người thân thì hai chị em Lưu Đình Triều (LĐT) bố mẹ đi tập kết nhưng phải khai là “đã chết” từ thuở bé tí, may mà được chở che đùm bọc của người bà ngoại. Rồi những năm đầu bảy mươi (1970), chúng tôi đương ngỡ ngàng với cuộc sống sinh viên ĐH Tổng hợp mới từ nơi sơ tán về Hà Nội; thì anh sinh viên Luật Lưu Đình Triều sau nhiều lần tìm cách trốn quân dịch không thoát đã phải làm quen với quân trường, nơi đào tạo những sĩ quan cấp úy Quân lực VNCH. Ngày Sài Gòn mít tinh mừng đại thắng, LĐT, thiếu úy QLVNCH xin phép bà ngoại, thuần thục phóng cái xe 50cc “cánh én” từ quê lên Sài Gòn để tìm gặp người cha đi tập kết, xem ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng không; thì lứa chúng tôi khi ấy có lẽ chưa ai biết hình dong mặt mũi cái xe Honda ra làm sao cả!

Cuốn sách mới của Lưu Đình Triều.

Lưu Đình Triều có người cha, nói như cái cách của tuổi teen bây giờ là hơi bị hoành. Nhớ khoảng giữa năm bảy bảy (1977), tòa soạn báo tôi có cuộc nghe thời sự. Diễn giả là ông Vụ trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư. Cứ ngó động thái của các vị trong Ban biên tập sắp hàng từ dưới sân kính cẩn bắt tay cái người dong dỏng mặc bộ đồ tê-tơ-rông áo ba túi sang trọng vừa từ cái xe “Pôbeda” Liên Xô màu xanh nước biển bước ra thì biết! Giữa vị này và các anh trong Biên ủy đã là khoảng cách này nọ thì cái lứa phóng viên mới chúng tôi, khoảng cách này nó vời vợi đến thế nào?

Khi đã yên vị trên phòng họp, ông khách đưa mắt ngó khắp rồi bất ngờ cười “Tờ báo lớn mà chỉ ngần này phóng viên thôi sao?”. Khi được báo cáo là buổi nói chuyện thời sự quan trọng, chỉ hạn chế trong BBT và đại diện các Ban thì ông Vụ trưởng làm động thái hối thúc ngay rằng nên cho tất cả phóng viên cán bộ của cơ quan dự.

Buổi nói chuyện thời sự ấy hình như mang lại không ít không khí hào hứng chưa hẳn là nội dung, cung cách phong thái diễn giả trình bày mà có lẽ là mối thiện cảm với ông Vụ trưởng Vụ Báo chí Lưu Quý Kỳ khi ông bất ngờ tạo ra cái không khí cởi mở dân chủ là cho tất tật cùng dự một cuộc họp trọng. Có cảm giác khoảng cách giữa vị Vụ trưởng tài năng quyền lực với chúng tôi dường như ngắn lại nhiều lắm? Về phần tôi thấy tâm trạng háo hức của mình đã không uổng khi được nghe ông buổi ấy. Hình như cảm giác ấy đã nhen nhóm, hình thành từ cái ngày đám sinh viên chúng tôi chuyền tay nhau cuốn “Nước về biển cả” của Lưu Quý Kỳ mà nhà báo Quang Đạm (thân phụ ông Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc sau này). Khi ấy cụ Quang Đạm trong BBT Báo Nhân Dân được Khoa văn ĐHTH mời giảng về báo chí đã hào phóng tặng cho lớp. Những đóng góp cùng hiệu ứng của cuốn sách năm xa ấy khỏi nhắc lại ở đây và “Nước về biển cả” đã nhiều lần tái bản - nhưng hồi ấy đám chúng tôi rất ấn tượng khi nghe thầy Quang Đạm bộc bạch rằng “các anh các chị đang cầm cuốn sách mà anh em thợ nhà in đã sắp chữ để xuất bản lần đầu dưới làn bom B52 Mỹ oanh tạc Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không”.

Bầm giập

Ông Lưu Đình Triều.

…Có lẽ đã tạm đủ độ thân mật để tôi nèo cái người giường bên những vân vi này khác về một thuở một thời. Như cái tên ông bố đặt cho con trai ra đời trùng thời điểm ký Hiệp đình đình chiến Triều Tiên năm đã tít tắp. Đình Triều!

… LĐT đang nói về khoảng thời gian ngắn ngủi hai chị em được ở chung phòng với người cha sau 21 năm cách biệt. Bố con khoảng cách không phải là hai chiếc giường. Khoảng cách hữu hình lẫn vô hình.

Khỏi nói ra đây những hụt hẫng thất vọng cùng cay đắng của ông bố đương làm Vụ trưởng Vụ BCTƯ Lưu Quý Kỳ! Oái oăm ngày đoàn tụ, ông gặp lại người con trai duy nhất từng là thiếu úy… Quân lực VNCH. Đã thế “viên’’ thiếu úy này từng được tưởng thưởng vì thành tích chống… Cộng!

LĐT không được hưởng biệt lệ nào cả! Trình diện. Học tập cải tạo theo quy định đối với một thiếu úy VNCH. Những tháng ngày lê thê những mặc cảm khổ ải, dằn vặt, cay đắng. Đỉnh điểm hay giọt nước tràn ly là LĐT đã xé lá thư mà ông Lưu Quý Kỳ viết cho con trai!

Số là LĐT đinh ninh khấp khởi rằng bố mình lần công cán vô Nam này sẽ đến thăm gặp con trai ở trại cải tạo. Hy vọng bố sẽ trực tiếp chứng kiến những tiến bộ của con trai.

Thay vì thăm gặp, ông bố chỉ biên thư thăm. Trong thư không quên nhắc con cố gắng cải tạo để thành người có ích! Trong tâm trạng hụt hẫng thất vọng, LĐT đã xé tan bức thư ấy!

Mãi sau này LĐT mới “ngộ” ra, mới ân hận về phút giây nông nỗi ấy! Sở dĩ bố anh làm thế là để thử thách là để con trai mình mau tiến bộ!

LĐT sau đó đã sẻ chia, bộc bạch tâm trạng ấy với vài bạn viết. Có một người đã đưa chi tiết LĐT vừa khóc vừa cay đắng xé lá thư ấy vào một cuốn sách! Nhưng oái oăm lại không nhắc đến lời tâm sự gan ruột mà LĐT đã “ngộ’’ ra sau này!

Kiểu viết lách “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật” đã khiến LĐT rơi tõm vào vòng xoáy của những lòng người thói đời. Trước nhất, LĐT bị ngay chính người thân của mình xa lánh. Người cha yêu quý (đã mất năm 1982) bị đồn thổi, bị miệt thị!

Ông Lưu Đình Triều (bìa trái) trong cuộc hội ngộ bạn bè.

Đến mức LĐT phải giãi bày này khác trên tờ Tuổi trẻ năm 2012. Sau bài viết ấy hình như những suy diễn ác ý đã nhiều phần thuyên giảm?

Tôi hỏi LĐT rằng, sau khi con trai học tập cải tạo về, kỳ thực trong thâm tâm ông già, trong vị quan chức ngành tuyên huấn báo chí Lưu Quý Kỳ thì ổng muốn chia, muốn định đoạt cho con trai mình cái thì tương lai gần lẫn tương lai xa như nào?

Đợi hồi lâu, LĐT chỉ im lặng. Rồi sự im lặng ấy đã có lời. Vẫn sự chủ đạo là chẳng có biệt lệ nào cả. Hình như người cha muốn con trai mình chỉ thành một người lao động bình thường, một công dân tốt.

LĐT đi làm công nhân ở Xưởng dầu ăn Tường An và nhiều nơi khác nữa. Rồi LĐT được kết nạp vào Đoàn. Nhiều năm là đoàn viên tiên tiến xuất sắc. Máu làm báo tường từ thời học trung học trỗi dậy. Anh mày mò viết nhiều bài gửi cho 2 tờ Tuổi trẻ và Tiền Phong. Nhưng chả có tin, bài nào được đăng.

Năm 1979, tình cờ LĐT vớ được tờ một tờ Tiền Phong. Báo ấy đăng thông tin tuyển sinh Lớp Đại học Báo chí của trường Tuyên huấn T.Ư. LĐT âm thầm làm thủ tục dự thi. Kết quả: 9 điểm đỗ mà LĐT đạt 12 điểm.

Đậu nhưng được đi học là một việc khác. Người ta nhớ ra LĐT từng là sĩ quan chế độ cũ cùng bản lý lịch đen ngòm. Nhưng vẫn nhớ ra nhớ thêm anh là con trai ông Lưu Quý Kỳ. Ban Tuyên huấn T.Ư - cơ quan chủ quản của Trường Tuyên giáo gửi một bức điện cho Vụ trưởng Lưu Quý Kỳ thời điểm ấy đương công tác ở nước ngoài rằng nếu ông đồng ý bảo lãnh thì LĐT mới được đi học!

Đợi mãi, đồng chí Vụ trưởng không thấy hồi âm. May mắn thời điểm đó, chuyện đến tai ông Trưởng ban Tố Hữu. Nhà thơ lớn đã đồng ý cho LĐT nhập học để thành nhà báo tương lai.

Một cú sốc thời gian đầu nhập học. LĐT được tín nhiệm bầu vào BCH chi đoàn. Một cuộc họp khẩn diễn ra. Một số học viên gay gắt. “Chúng tôi là lính, là sĩ quan Quân đội NDVN. Chúng tôi không chấp nhận một cựu sĩ quan ngụy lãnh đạo chúng tôi dù chỉ là ở hoạt động Đoàn!”.

“LĐT là sinh viên bị bắt lính ngoài ý muốn. LĐT đã đi học tập cải tạo đi lao động phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú. Giờ LĐT cũng là học viên Trường báo chí. Chúng ta không nên phân biệt đối xử”. vv…

Cuộc tranh luận nổ ra căng thẳng. Khi đã ngớt, mọi người không thấy LĐT đâu. Thì ra LĐT đã rời cuộc họp tự lúc nào. Anh ra quán tận Cầu Giấy ngồi. Tối mới mò về trường. May rồi mọi sự cũng qua.

Con cái nhà

Nhà báo tương lai LĐT được đi thực tập được trui rèn qua thực tế Mặt trận phía Bắc, vùng than Quảng Ninh, vùng biên giới Campuchia và nhiều lĩnh vực, địa phương khác. Lại được sự chỉ bảo rèn cặp của người cha cũng chính là giảng viên nhiều năm của Trường báo chí. Người cha Lưu Quý Kỳ dừng bước cuộc đời ở tuổi 63 nhưng đã để lại 47 năm làm báo với 27 cuốn sách và gần 3.000 bài báo!

Thành quả báo chí đầu tiên của LĐT trên Báo Hà Nội mới là cái tin vỏn vẹn 30 chữ! Rồi nhiều bài khác dung lượng chất lượng tày tặn hơn được đăng trên nhiều báo trong đó có tờ Tuổi trẻ tờ báo mà LĐT về nhận công tác sau khi tốt nghiệp.

Một thời gian dài tích cực với hiệu số bài viết chất lượng uy tín. Rồi một ngày đẹp trời, LĐT được thông báo chi bộ đã xem xét quyết định kết nạp Đảng. Chuyện thẩm tra lý lịch được chi bộ hoàn tất và chuyển lên Thành ủy. Và kết quả cũng rất nhanh. LĐT không những không được kết nạp Đảng mà còn cần phải cách chức Trưởng ban hạ lương, chuyển công tác! Thì ra vẫn bóng đen của lý lịch ám ảnh.

Trong một cuộc họp kiểm điểm, nhiều ý kiến chất vấn tại sao LĐT lại được thưởng Anh dũng bội tinh, Chiến thương bội tinh thời gian ở Quân lực VNCH.

Anh lại phải “tua” lại nội dung trả lời như nhiều năm trước. Rằng “cứ sau mỗi trận đánh, Tiểu đoàn sẽ nhận được một số huy chương và lần lượt phân cho một số sĩ quan ở các đại đội có tham gia trực tiếp. Tôi cũng chẳng phải là người anh dũng, dũng cảm gì. Nhưng tôi hẩm hiu bị thương nhiều lần có lần suýt chết nên được tặng phần thưởng”.

May mắn lại mỉm cười với LĐT. Chuyện kết nạp bị xếp lại. Nhưng anh được ở lại với Tuổi trẻ.

Có lẽ cũng phải biên ra đây đoạn “lý lịch trích ngang”. Tròn 30 năm ở Tuổi trẻ , Lưu Đình Triều đã trưởng thành từ Phóng viên, Tổ trưởng PV. Rồi phụ trách các Ban Văn nghệ - Lối sống, Thanh niên, Giáo dục. Rồi kiêm thư ký Tòa soạn và Tổng thư ký Tòa soạn, Trợ lý Tổng Biên tập, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển, Trưởng Ban công tác xã hội… Nhiều lần đoạt giải báo chí quốc gia. Từng được nhiều hãng truyền thông nổi tiếng như AP phỏng vấn. Đồng nghiệp gọi anh là Chuyên gia của thể loại ký chân dung. Tác giả của nhiều đầu sách vv…

***

Thì ra thời điểm gặp LĐT ở Bến Tre, lão đã âm thầm hạ những con chữ cuối cùng cho tập hồi ký tày tặn 4 trăm rưỡi trang in. Tháng 4 in xong, tháng 5, LĐT đã có sách tặng bạn bè. Tôi chưa kịp tỷ mẩn làm cái việc so sánh chuyện LĐT bộc bạch cùng bạn bè năm ngoái và những chi tiết trong cuốn hồi ký này. Nhưng chắc rằng một đoạn đời, một cảnh ngộ như tôi biết sẽ có trong sách, nhưng chắc chắn sẽ dày dặn, kỹ càng hơn.

Tôi đương nghĩ về cái tên sách hơi ngồ ngộ “Đời có yêu tôi?”. Cứ như một nụ cười, như cái chìa tay cởi mở thành thực. Như một phương tiện, một cách thức để kết nối. Rằng những ai từng quen biết và chưa biết LĐT, chắc qua cuốn hồi ký này có lẽ cũng phải giành thêm cho ông một mối thiện cảm?

Sau những dùng dắng, tôi cũng vuột ra cái ý nghĩ này. Rằng Lưu Đình Triều như thứ “gien” (zene) lặn nhưng trội, chí ít về đường chữ nghĩa của một hậu duệ? Hậu duệ chứ sao! Bà ngoại Lưu Đình Triều là kết quả của một mối tình Pháp - Nam một thuở một thời! Còn cụ cố bên nội là người Minh Hương sang lập nghiệp đã mấy đời ở xứ Nẫu Quảng Nam. Vậy nên cứ thiển nghĩ, dẫu Lưu Đình Triều sau 1975 được ưu đãi này khác được đặt lên bệ lên bục chắc chi đã suôn sẻ hanh thông cái nghề chữ nghĩa viết lách? Mà có lẽ phải bầm giập phải thử thách phải cọ xát này khác thì thứ “gien” trội ấy mới có thể nảy mới bật ra được để nối với cái “gien” cái chí cha mình?

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-15T23:00:45Z dg43tfdfdgfd