NếU THI TRượT, HãY HọC CáCH đứNG LêN Và BướC TIếP...

Kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học cũng không đủ sức quyết định cuộc đời bạn. Nếu thi trượt, hãy học cách đứng dậy và bước tiếp...

Các thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa: VNE)

Trên mạng xã hội những ngày vừa qua, nhiều bậc cha mẹ đã chia sẻ kết quả điểm số vào lớp 10 của con em mình. Có phụ huynh vui mừng, phấn khởi vì con đạt được kết quả cao, nhưng cũng có những phụ huynh thất vọng vì con không đạt được điểm số như kỳ vọng. Không ít người cho rằng, điểm thi vào lớp 10 không quyết định tất cả, bởi hành trình học tập của các con vẫn còn ở phía trước.

Chiều 3/7, TP. Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn lớp 10. Trước đó, chiều 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Nhiều bạn trẻ sẽ được vào ngôi trường mình muốn, cũng có không ít bạn sẽ lỡ hẹn. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT 2024. Các sĩ tử đang nín thở chờ đợi điểm thi tốt nghiệp, cũng như điểm chuẩn xét tuyển vào đại học...

Thực tế, sau mỗi kỳ thi, có không ít câu chuyện buồn như trẻ bỏ nhà đi vì làm bài không được như ý muốn, bị trầm cảm, thậm chí tự tử vì thi trượt... là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh vì áp lực thi cử. Ở lứa tuổi học sinh dễ tổn thương, dễ buồn, luôn muốn thể hiện bản thân cũng như giá trị của mình, dễ bị sốc nếu như kết quả thi không như mong muốn. Nếu thi trượt, các em dễ rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng và chôn vùi trong cảm giác thua cuộc. Các em sẽ sớm vượt qua nếu nhận được sự hỗ trợ tâm lý, động viên từ gia đình, nhưng cũng có em cảm thấy cô đơn, thua cuộc và khó vượt qua cú sốc thi trượt.

Nhiều chuyên gia tâm lý khuyến cáo, đừng để con trẻ phải gánh trên vai áp lực quá lớn từ cha mẹ. Sự kỳ vọng của cha mẹ là động lực nhưng cũng là áp lực quá lớn đối với những đứa trẻ. Học là việc cả đời, có nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn phù hợp cho các em. Dù thi trượt cấp 3 hay không thể vào được trường đại học như mong muốn không sao cả, bởi các em còn nhiều con đường, lựa chọn khác.

Có thể nói, cuộc đời một con người sẽ phải trải qua biết bao nhiêu kỳ thi. Tương lai của mỗi người không bao giờ bị ảnh hưởng, tác động bởi một kỳ thi. Thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học hay bất kỳ cuộc thi nào khác cũng không thể quyết định cuộc đời bạn. Bạn trẻ mới là người quyết định cuộc đời của chính mình. Nỗ lực, có mục tiêu và đam mê mới là thứ góp phần quyết định thành công.

Sau kỳ thi, các em cần điểm tựa, sự cảm thông, sự thấu hiểu từ cha mẹ. Phụ huynh hãy là chỗ dựa tinh thần của con em mình, đừng để bạn trẻ khi mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đã cảm thấy đánh mất niềm tin vào bản thân, cảm thấy bản thân vô giá trị chỉ vì thi trượt. Hãy để các em có quyền được... thi trượt. Bên cạnh đó, các bạn trẻ hãy học và làm những gì mình thích và không ngừng cố gắng.

Hơn thế, dù vào được trường cấp 3 như mong muốn hay bước chân vào giảng đường đại học mà bạn mơ ước thì đó vẫn chưa đủ để giúp bạn thành công. Những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành mới là điều kiện cần. Ngoài trường học, còn nhiều con đường khác giúp ta có được kiến thức để thành công. Nhưng điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ năng lực của bản thân. Nếu thi trượt hãy học cách đứng lên và bước tiếp...

Có chuyên gia giáo dục cho rằng, kết quả thi chỉ là "một lát cắt ngang" trên hành trình học tập của học sinh. Việc đỗ - trượt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kiến thức, kỹ năng, tâm lý, sự chuẩn bị của học sinh vào thời điểm thi và ngay cả việc lựa chọn các nguyện vọng.

Vấp ngã có thể sẽ giúp con rút ra kinh nghiệm, có thêm động lực để học tập tốt hơn trong 3 năm THPT và cả sự chuẩn bị cho kỳ thi tại các bậc học cao hơn. Điều quan trọng hơn cả việc đỗ - trượt là việc học sinh được học tập trong môi trường phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn trường học cho con.

Cha mẹ hãy lựa chọn những môi trường giúp con phát triển năng lực, xây dựng đúng định hướng và lộ trình để con có khả năng phát huy những năng lực, thế mạnh của bản thân. Thay vì chỉ quan tâm đến điểm số và thứ hạng, cha mẹ cũng nên tìm hiểu về chương trình đào tạo, phương pháp giáo dục, đội ngũ giáo viên... của các trường để lựa chọn mô hình và môi trường phù hợp nhất cho con phát triển.

Thay vì, tỏ ra thất vọng nếu con thi trượt, cha mẹ nên lắng nghe trước sở thích, nguyện vọng của con. Từ vốn sống của mình, cha mẹ chia sẻ, cung cấp cho con những thông tin cơ bản, những đỏi hỏi đặc biệt của nghề nghiệp, khích lệ những năng lực nổi trội của con.

“Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách nhưng chưa thành công” . Đó là câu nói nổi tiếng của Thomas Edison - nhà phát minh vĩ đại của mọi thời đại. Phải đến lần 10.001, ông mới tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc bóng đèn.

Khi được định hướng đúng đắn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, khi có sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình, chắc chắn mỗi bạn trẻ sẽ giải tỏa được những áp lực trước, trong và sau mỗi kỳ thi. Khi có động lực từ bên trong, các em sẽ có trách nhiệm hơn với mọi quyết định của mình.

GS. Trương Nguyện Thành từng nhấn mạnh, năng lực của một người không phải ở điểm số, càng không nên đo lường bằng điểm số. Nếu lấy thước đo thi đỗ, bằng cấp, thành tích để yêu cầu một đứa trẻ cái gì cũng thành công là kỳ vọng quá hão huyền. "Thà rằng, tôi tiêm cho con mũi 'vaccine thất bại' ở thời trung học để khi vấp phải thất bại ở ngoài đời sẽ biết cách ứng phó, đứng dậy được, sẽ không gục ngã", GS. Trương Nguyện Thành nói.

Cha mẹ hãy nghĩ rằng, thất bại là cơ hội để dạy cho con bài học làm thế nào để đứng dậy. Bởi không ai rút được bài học gì từ thành công, bạn chỉ học được bài học từ thất bại mà thôi. Trong cuộc đời mỗi người có bao nhiêu cuộc thi, trải qua nhiều thử thách. Nếu cho rằng con người thành công hay thất bại chỉ vì một cuộc thi, cho rằng cuộc thi quyết định cuộc đời của đứa con mình, đó là một sai lầm...

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-04T00:36:31Z dg43tfdfdgfd