QUA ĐèO NGANG, THấY… NGANG NGANG

TP - Tôi trở lại Đèo Ngang không phải để theo dân “phượt” truy tìm nguyên cớ vì sao thày Thích Minh Tuệ trên đường lội bộ thiên lý quyết dừng lại để ẩn tu ở trên đỉnh Đèo Ngang cũng là nơi chôn rau cắt rốn của thày và đã không thành ra sao!

Mà kỳ lạ, cũng chính thời điểm thày “dùng dằng” như thế thì 13 giờ 9 phút ngày 8/5/2024 tại Mông Cổ, hình ảnh di tích Hoành Sơn quan (HSQ) trên đỉnh Đèo Ngang, một trong 162 bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (Cửu đỉnh, còn được gọi là “Dư địa chí” bằng ngôn ngữ tạo hình thế kỷ 19) đã được UNESCO chính thức ghi tên vào Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chứng nhân Lịch sử

Lần ghé Đèo Ngang này, hình như chẳng còn dư địa của cổ nhân, một tâm sự, một mảnh tình riêng “ta với ta” nữa mà là ngổn ngang những tình chung của… quốc gia đại sự!

“Đã bao người làm thơ về Đèo Ngang/ Mà không biết con Đèo chạy dọc” Chút ỡm ờ ấy của thi sĩ Phạm Tiến Duật đã làm nên duyên góp vào đội hình những tao nhân mặc khách từng làm thơ về Đèo Ngang, về HSQ. Những Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, Hoàng đế Thiệu Trị, Nguyễn Trường Tộ, Vũ Tông Phan...

Vâng! Phải là cái thế chạy dọc con đường thiên lý xuôi Nam ấy. Con đường mà năm 992 vua Lê Đại Hành sai vị tướng tài Ngô Tử An đem 3 vạn người khai mở tạo nên một tuyến vận tải thủy bộ liên hoàn từ sông Đáy đến đất Chiêm Thành.

… Tôi bệt xuống lối xưa của con lộ thiên lý trong bóng rợp của chiếc cổng Hoành Sơn Quan mà vua Minh Mạng cho xây năm 1833. Cứ thầm kinh khiếp, nắc nỏm mãi không thôi cái tầm nhìn của một vị vua triều Nguyễn anh minh.

Cái HSQ này từng phân định ranh giới giữa nước Đại Việt và nước Chiêm Thành, gợi nên ranh giới hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài; còn thời thuộc Pháp, nó có tên là Porte d’Annam (Cổng An Nam).

Hoành Sơn Quan

“Đại Nam nhất thống chí” chép cụ thể. HSQ quan xây bằng đá dài 11 trượng 8 thước (47,2 m), cao 5 thước (2 m), khoảng giữa là cửa quan, phía tả và hữu đắp tường dài 75 trượng (300 m), cao 4 thước (1,6 m), về mặt tả mặt hữu và mặt hậu có tường dài 12 trượng 2 thước (48,8 m).

Hiện chỉ sót lại cổng chính. Còn nguyên vẹn. Cao khoảng 4 m, các bức tường không còn. Đường thiên lý đi qua dưới cổng, hai phía ghép đá, phía ngoài vào 980 bậc, phía trong ra 900 bậc, nay đã bị cây cỏ, đất đá phủ lấp, chỉ phía ngoài (Hà Tĩnh) còn lại một số bậc. Đường Quốc lộ 1A bây giờ đi vòng phía dưới cổng.

Nhưng trên và hơn hết, HSQ như một dấu tích của cái nhìn chiến lược hành phương Nam quyết liệt, sáng suốt của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Hình như ý thức được công trình, di tích HSQ với hậu thế, năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838) Ngài đã cho đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở nội thành Huế. Và hình tượng HSQ - Đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”.

Thừa và thiếu

…Hơi ngạc nhiên thấy khung cảnh HSQ lần này vẻ như khang khác năm xa mà mình từng ghé? Ấy là choán chiếm kha khá diện tích khu vực quanh HSQ tự dưng nổi bật lên một khu mộ xây khá hoành tráng. Mộ xây bằng thứ đá đưa tận Ninh Bình vào. Bên khu mộ còn có miếu thờ, hương khói còn mới.

(Hỏi mấy anh em đi cùng, biết loáng thoáng, ngôi mộ này là của một vị quan trấn giữ Đèo Ngang! Sau đó, tôi có ngỏ những băn khoăn với ngành văn hóa Hà Tĩnh và Quảng Bình về thần phả vị quan ấy nhưng hiện chưa có hồi âm! Nhưng chắc phải là người có công canh giữ Đèo Ngang với HSQ thì hậu thế mới dám “bày” mộ hơi bị hoành ngay sát cạnh di tích HSQ như thế?).

Không xa ngôi mộ, còn ngó thấy vài vết tích xâm hại. Lại biết thêm, cách nay chưa lâu, đã có bọn người tự ý xây một cái miếu lớn nằm gần di tích HSQ. May mà nhà chức việc của tỉnh Quảng Bình, sau nhiều lần lập biên bản đã quyết định cưỡng chế, đập bỏ, hiện còn phần nền móng. Tiếp theo là sáu ngôi mộ có dựng bia bằng tiếng Trung Quốc kề ngay sát di tích, chính quyền Quảng Bình phải tổ chức phá bỏ...

Ngó khung cảnh quanh cổng HSQ hơi đìu hiu, dậy lên cảm giác hụt hẫng, tiêng tiếc… Giá như những nhà chức việc có trách nhiệm coi sóc giữ gìn HSQ, các loại đá núi bây giờ đâu có hiếm? Sao không cho khắc hoặc cho bày hẳn (bản sao) tấm bia cẩn khắc bài thơ về Đèo Ngang của Vua Thiệu Trị? Năm Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá Bắc tuần, ghé HSQ có bài thơ khắc trên đá Quá hoàng Sơn Quan. Bài thơ có câu. “Gìn Nam giữ Bắc chia nghiêm cửa Suốt cổ về kim chốt chặt đàng”.Cũng nói thêm, tấm bia đề thơ bị vùi bị lấp không rõ năm nào, thời nào? Mãi năm 1992, khi khảo sát công trình dưới chân Đèo Ngang, người ta đã vô tình tìm thấy tấm bia khắc bài thơ ấy.

Hoành Sơn Quan trên Cửu đỉnh

Rồi nữa, tiếc chi lại không có thơ Cao Bá Quát? Đèo Ngang có khe Đá Bàn (Bàn Thạch) trong veo đổ về sườn núi phía nam vào đất Quảng Bình.. Từ 150 năm trước, thi sĩ ngông ngạo Chu thần Cao Bá Quát đến tắm ở khe Đá Bàn và đã thốt lên mấy câu này. “Sáng lên đứng Hoành Sơn/ Chiều xuống tắm Bàn Thạch/ Nhặt đá cầm trong tay/ Non sông chưa đầy vốc”.

(Chao ôi, cũng chỗ Khe Đá Bàn, thời điểm tháng 5 vừa rồi, thày Thích Minh Tuệ từng đột ngột biến mất vài ngày khiến đám người đi theo ngơ ngác).

Ấy là thời trước. Còn thời gần? Nên lắm có tấm biển chỉ cho du khách rảo ít bước nữa để đến Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang - đơn vị anh hùng!

Trạm ra-đa 535 Đèo Ngang từng phát hiện Tàu USS Madocx và tàu USS Turner Joy của đế quốc Mỹ gây hấn ngụy tạo “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Rồi năm 1965, Mỹ dội hàng ngàn tấn bom đạn băm nát Đèo Ngang nhằm tiêu diệt “con mắt thần” của Bắc Việt. Lạ lùng, HSQ vẫn sừng sững chẳng bị hề hấn gì!

Hay dung dị hơn, nên có tấm biển khác chỉ đường hướng dẫn đến một địa chỉ đỏ! Ấy là bất kể nắng hay mưa, hàng ngày, bà Nguyễn Thị Ngùy ở thôn Minh Thành, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) vẫn lặn lội gần chục cây số trèo lên Khu di tích HSQ trên đỉnh Đèo Ngang và Đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh để quét dọn, sửa sang, thắp đèn nhang như một lời tri ân với di tích huyền thoại, tri ân với đại ngàn Đèo Ngang và HSQ linh thiêng...

Những ngang trái Đèo Ngang

…Bóng mát của Cổng HSQ giữa chiều nắng lửa cũng không dịu bớt nỗi bức xúc khi chuyện với mấy anh em bên ngành văn hóa bảo tàng địa phương (mà theo yêu cầu của họ, tôi không ghi tên ra đây).

Nỗi bức xúc ấy là hóa ra đến tận thời điểm này, HSQ chưa phải là… Di tích Quốc gia!

Kỳ lạ là Hoành Sơn quan cùng được tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Và dai dẳng cuộc tranh biện bao năm nay, HSQ thuộc Hà Tĩnh hay Quảng Bình?

Để rộng đường dư luận, người viết bài này xin khách quan kê biên lại ý kiến của Hà Tĩnh và Quảng Bình đại loại như này.

…HSQ được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 2/8/2002. Không hề chậm trễ, cùng ngày, 2/8/2002, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản gửi Bộ Văn hóa thông tin (cũ) và Cục Bảo tồn bảo tàng đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đối với HSQ...

Nhưng các nhà chức việc của ngành văn hóa Hà Tĩnh “phản pháo” ngay. “Đáng ra tỉnh Quảng Bình phải tôn trọng sự thật rằng phần di tích đó nằm phía bên tỉnh Hà Tĩnh!”. Năm 2004, đoàn khảo sát liên ngành của Hà Tĩnh đã thực địa khu vực đèo Ngang và xác định kiến trúc HSQ nằm trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh, cách đường ranh giới hai tỉnh 7,7m.

Nhưng ngành văn hóa Quảng Bình đâu có chịu! Họ cho rằng HSQ hiện nằm trên địa phận Hà Tĩnh là do khi phân định địa giới hành chính, người ta chỉ tuân thủ một cách máy móc theo đường phân thủy mà không quan tâm, tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa.

“HSQ là nơi đón khách thượng kinh từ phía Bắc vào. Để quan sát được khách thì người ta phải làm ở mái núi bên ngoài (phía Hà Tĩnh). Di tích thì thuộc chính quyền Quảng Bình thời phong kiến quản lý là vì then cài phía trong Quảng Bình.

Rằng riêng chứng cứ về mặt kết cấu kiến trúc như vậy cho thấy rằng Hà Tĩnh quản lý là vô lý. Người Hà Tĩnh không thể vào trong Quảng Bình để đóng cửa được. Tấm biển đề HSQ hướng ra Hà Tĩnh. Người ta hướng biển đề ra phía khách chứ không ai hướng về phía chủ nhà cả!”

Thế nhưng, Hà Tĩnh lẫn Quảng Bình cũng đừng vội… mơ! Một chuyên gia về cổ sử từ cố đô Huế dõng dạc như này “Nếu nói HSQ là cổng vào kinh đô thì nó phải thuộc Huế mới đúng, chứ không thể thuộc Hà Tĩnh với tỉnh Quảng Bình được!”.

Vị chuyên gia ấy còn cho rằng, tỉnh Quảng Bình công nhận di tích là sai, vì theo Luật di sản, đã là di tích thì phải kèm theo khu vực khoanh vùng bảo vệ, phải có phần đất đai.

“Trong khi HSQ lại nằm trên đất Hà Tĩnh thì Quảng Bình khoanh vùng kiểu gì! Thật ra, HSQ là biểu tượng văn hóa của cả khu vực, là di sản chung của đất nước chứ không riêng của tỉnh nào. Nhưng nó nằm trên đất Hà Tĩnh thì Hà Tĩnh quản lý là đúng!”...

Sự nhập nhằng bao năm trong việc quản lý di tích cũng làm tổn thương cho di tích. Mạnh Hà Tĩnh thì Hà Tĩnh đưa khách lên. Mạnh Quảng Bình thì Quảng Bình đưa khách lên. Không ai có trách nhiệm quản lý, trùng tu tôn tạo cả!

Rồi hai tỉnh nín thở chờ phán quyết của Bộ VH-TT&DL. Bộ phán, Bộ thừa nhận HSQ rất xứng đáng để công nhận di tích quốc gia. Nhưng rồi không hiểu vì lý do gì, một vị lãnh đạo Cục Di sản văn hóa từng trả lời rằng “hai tỉnh có vấn đề thì thôi, đừng làm hồ sơ nữa, đừng đẩy quả bóng ra cho Bộ!”

*

* *

Nhiều lương dân Việt đã tỏ tường, giai đoạn dựng nước lần thứ hai bắt đầu từ thời nhà Lý khi người Việt vượt khỏi đèo Ngang để đi về phương Nam trở nên một tầng lớp lưu dân làm nên những sự nghiệp lớn: vừa mở rộng vùng đất liền, vừa mở rộng vùng biển đảo.

Bởi vậy, HSQ là một địa điểm lịch sử cực quan trọng, xứng đáng là một di tích đặc biệt quốc gia. Do đó cần phải có sự quan tâm nhất định, trung ương cần quyết định tỉnh nào quản lý một cách hợp lý để có hướng đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả!

Mà sao dằng dặc bao năm những tranh biện cấp này cấp khác, người ta cứ bẵng, cứ lú, không nhớ đến đến câu ca dao tuyệt tác ăm ắp những tình cùng lý về Đèo Ngang từ thuở nảo nao của ông bà mình.

Câu ấy là: Trèo đèo hai mái chân vân (chênh vênh) / Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”

Chao ôi cái lòng cái dạ khắc ghi cái ân cái nghĩa công lao của tiền nhân thuở khai sơn phá thạch!

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-29T23:17:23Z dg43tfdfdgfd