LO PHIềN KHI CAMERA DòM NGó MọI LúC MọI NơI

Ra đường có thể bị camera ghi hình đã đành, về đến nhà, vô tận phòng mình vẫn thấy bất an khó chịu với camera nhà hàng xóm chĩa sang.

Việc lắp camera hiện tại không cần xin phép ai, tăng hiệu quả giám sát, giữ an ninh trật tự là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên chuyện này cũng phát sinh nhiều bất cập và lo lắng khi hình ảnh cơ thể bị phát tán, cắt ghép hoặc sử dụng vào mục đích xấu. Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc xung quanh việc này.

* Trần Công Phước (quận 7, TP.HCM):

Cảm thấy lúc nào cũng bị giám sát vì camera

Phòng trọ của tôi có nhiều camera, nhất là trước cửa khu nhà và nhà xe. Đây được coi là cách phòng trộm cắp, giữ an ninh. Những nơi có lắp camera cũng hạn chế được tình trạng mất cắp vặt đồ dùng như dép, giày hay quần áo xịn phơi ngoài sào.

Tuy nhiên việc gắn vô tội vạ ở khắp nơi khiến tôi có cảm giác không thật sự thoải mái. Tôi có thói quen cởi trần quần cộc, gần phòng có camera, tôi thường đóng cửa vì không bị camera dòm và ghi hình.

Chưa kể nếu ai đó cố tình thu thập thông tin cá nhân của tôi thì việc đó cực kỳ dễ dàng vì camera ghi nhận được tôi đi và về lúc mấy giờ, có ai ghé phòng chơi và họ về lúc mấy giờ đều không thoát được tầm nhìn của con mắt điện tử này.

Dữ liệu này sẽ do ai lưu trữ, ai được phép xem? Dữ liệu có bị chia sẻ ra bên ngoài hay không thì chẳng ai biết được. Tôi đã thấy nhiều trường hợp vào một ngày đẹp trời tự nhiên hình ảnh cá nhân lại xuất hiện trên mạng với mục đích xấu.

* Bạn đọc TRẦN ĐÌNH TĂNG:

Là "cánh tay nối dài" của cơ quan chức năng

Một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao đó là người dân sử dụng camera tại nhà hoặc trang bị camera giám sát tại các khu phố, khu dân cư.

Thực tế cho thấy thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao an ninh, ngăn chặn tội phạm và mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh cơ sở.

Từ đó hình thành nhiều mô hình như "camera an ninh", mô hình "tự phòng, tự quản"... đã tạo được sự lan tỏa hiệu quả trong cả nước về phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, tệ nạn xã hội...

Các mô hình trên là tai mắt, "cánh tay nối dài" của lực lượng chức năng, giúp khám phá và kéo giảm phạm pháp hình sự cũng như quản lý tốt địa bàn dân cư ngay tại cơ sở.

Việc lắp đặt camera của công dân tại nhà riêng hiện nay vẫn không cần phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền. Vì thế, cần có quy định việc lắp đặt này đảm bảo không xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác.

* Ông Vũ Ngọc Sơn (trưởng ban công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, giám đốc kỹ thuật Công ty NCS):

Phải thông báo cho chủ thể

Hình ảnh của cá nhân thu được từ các camera giám sát được coi là dữ liệu cá nhân của họ.

Việc sử dụng, bảo vệ các dữ liệu này đã được Chính phủ quy định rõ tại nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật mà không cần có sự đồng ý của chủ thể.

Tuy nhiên khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc xử lý đối với các dữ liệu này được quy định chặt chẽ hơn. Về lý thuyết, việc xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: phân tích, chỉnh sửa, công khai, truy xuất, thu hồi, mã hóa, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa... Trong đó việc xử lý dữ liệu cá nhân cần thông báo và cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đó.

* Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình phải được người đó và gia đình đồng ý. 

Hành vi gắn camera hướng sang nhà hàng xóm nhằm mục đích theo dõi, xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, hành vi vi phạm và thiệt hại mà pháp luật có những mức hình phạt tương xứng:

- Phạt vi phạm hành chính khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: tùy theo mức độ, hành vi mà mức xử phạt vi phạm hành chính tương xứng. Như quay camera về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhưng chưa phát tán phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Nếu phát tán, mức phạt tiền có thể lên đến 20 triệu đồng.

- Truy cứu trách nhiệm hình sự khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại: trường hợp phát tán hình ảnh làm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác thì bị xử lý hình sự tội làm nhục người khác, bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì mức hình phạt có thể lên đến 5 năm tù theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mối lo từ camera nhà hàng xóm

Vài năm trở lại đây, quê tôi bắt đầu xuất hiện phong trào lắp camera giám sát an ninh tại nhà. Nhà nào nhà nấy thi nhau mua, lắp đặt đủ loại camera từ trong nhà ra ngoài ngõ. Ban đầu tôi cảm thấy thích thú, thậm chí có phần an tâm vì như tên gọi camera giám sát sẽ giúp làng quê yên bình hơn.

Sau đó tôi cảm thấy bất an. Camera nhà nào cũng chĩa ra đường, sang tận nhà hàng xóm, mọi sinh hoạt hằng ngày của người khác lọt vào ống kính.

Gần đây một người trong xóm tôi đã tự ý trích xuất camera sau đó đăng lên mạng Facebook clip vợ chồng hàng xóm cãi nhau.

Clip được chia sẻ rất nhiều, thậm chí còn trở thành trào lưu, được cắt ghép vô số trên mạng xã hội. Gia đình lẫn người thân của nạn nhân phải lên tiếng xin cộng đồng đừng chia sẻ bởi thực tế không đúng như clip được trích xuất.

Còn nhiều sự việc đau lòng hơn mà tôi từng chứng kiến: chĩa camera ra đường vô tình bắt gặp cảnh tai nạn giao thông, sau đó vô tư đăng lên mạng; camera theo dõi, thu thập thông tin hoặc gắn với mục đích xấu...

Có một khoảng trống trong việc trích xuất dữ liệu từ camera: họ luôn xem những clip được ghi hình là của mình và đưa mọi thứ lên mạng mà không cần biết đúng sai, tốt xấu... Đây là mối nguy, khi mà mọi người có sẵn các công cụ để đăng tải, chia sẻ clip từ camera nhà mình.

Liệu camera an ninh có đang đi quá giới hạn khi bị lạm dụng vào mục đích khác? Tôi nghĩ là có, bởi hình ảnh, lịch trình sinh hoạt... của chúng ta đang nằm trong tay người khác (dù vô tình hay cố ý). Như việc camera chĩa thẳng vào cửa ra vào hàng xóm, dữ liệu này dễ bị chiếm đoạt và kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng để thực hiện các vụ lừa đảo, trộm cắp...

Việc những camera chĩa thẳng vào bất cứ nơi nào gia chủ muốn cũng đủ khiến người xung quanh bất an. Và camera - một công cụ được ví là "mắt thần" đang xen vào cuộc sống của người khác.

Nhiều người lắp camera nhưng thiếu kiến thức về việc sử dụng, về dữ liệu, thông tin cá nhân hay đời tư người khác... Họ đăng những hình ảnh camera ghi được lên mạng mà không biết rằng mình đi quá giới hạn.

Dùng camera xin đừng coi nhẹ việc bảo mật dữ liệu từ sự thu thập thông tin khi camera không chỉ giám sát an ninh mà còn đang "dòm ngó" cuộc sống của mọi người trong tầm nhìn của "mắt thần".

Bạn đọc KHÁNH HƯNG

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-30T02:33:22Z dg43tfdfdgfd