GIáO Sĩ NHIềU TRANH CãI TRONG THảM KịCH GIẫM đạP ở ẤN Độ

Narayan Sakar Hari, người tổ chức buổi thuyết giảng biến thành thảm kịch giẫm đạp ở Ấn Độ, là giáo sĩ có sức ảnh hưởng lớn, nhưng cũng có nhiều hành vi gây tranh cãi.

Cảnh sát Ấn Độ đang truy tìm Narayan Sakar Hari, giáo sĩ đã tổ chức buổi thuyết giảng ngày 2/7 ở Hathras, bang Uttar Pradesh ở phía bắc Ấn Độ. Sự kiện này kết thúc trong thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng, khiến ít nhất 121 người thiệt mạng, gây chấn động dư luận Ấn Độ.

Narayan Sakar Hari là người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng theo đạo Hindu ở các vùng nông thôn Ấn Độ, nhưng cũng vướng nhiều lùm xùm về đời tư, với những cáo buộc về lạm dụng tình dục, chiếm đất và truyền bá mê tín dị đoan.

Giáo sĩ này tên thật là Suraj Pal, đến từ làng Bahadur Nagar thuộc quận Kassganj của bang Uttar Pradesh. Ông được những tín đồ tôn thờ như thánh nhân và gọi bằng biệt danh "Bhole Baba", nghĩa là "Vị cha Thiện lành".

Giới chức lẫn truyền thông Ấn Độ không có thống kê cụ thể về quy mô giáo phái của Suraj Pal. Trang One India cho rằng tổng số tín đồ giáo phái này có thể lên đến hàng triệu người, tập trung tại khu vực phía tây và miền trung bang Uttar Pradesh cùng hai bang lân cận là Rajasthan và Madhya Pradesh. Một số nhóm tín đồ ở các bang lân cận như Uttarakhand, Haryana và Delhi cũng thường xuyên tham dự các buổi thuyết giảng của ông.

Giáo sĩ này thường nhắm đến cộng đồng Dalit, tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, vốn còn nặng tính phân biệt giai cấp ở nhiều vùng nông thôn. Ông thường kêu gọi tín đồ tin vào "cuộc sống lý tưởng, không mê tín và tinh thần bác ái", theo mô tả trên áp phích quảng bá các sự kiện.

Một số chính trị gia Ấn Độ được cho là từng tham dự các buổi thuyết giảng của Suraj Pal. Sau thảm kịch ngày 2/7, những người ủng hộ đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền bắt đầu lan truyền hình ảnh lãnh đạo đảng đối lập Samajwadi (SP) Akhilesh Yadav từng đứng cùng sân khấu với giáo sĩ này vào năm 2023 để vận động cử tri.

Lai lịch của giáo sĩ này vẫn còn nhiều bí ẩn. Cảnh sát chưa công bố thông tin cá nhân của Suraj Pal, nhưng một số báo Ấn Độ dẫn nguồn tin địa phương cho biết giáo sĩ này ngoài 60 tuổi.

Theo NDTV, ông từng là sĩ quan cảnh sát bang Uttar Pradesh khoảng 17-18 năm, có thời gian làm việc trong lực lượng tình báo, rồi tự nguyện nghỉ hưu non vào năm 1999. Trang First Post dẫn nguồn thạo tin cho biết Suraj Pal từng là quan chức cảnh sát thị trấn Etawah, bang Uttar Pradesh, nhưng bị sa thải vì vướng cáo buộc quấy rối tình dục.

Ông sau đó đổi tên thành Narayan Sakar Hari và trở thành giáo sĩ, thường tổ chức thuyết giảng ở các vùng nông thôn, chủ yếu thu hút tín đồ nữ. Ông luôn mặc đồ trắng khi giảng đạo và đôi lúc xuất hiện cùng vợ mình, được các tín đồ gọi là "Matashri", cách gọi tôn kính chỉ người mẹ.

Những buổi thuyết giảng ban đầu có vài trăm người tham dự, rồi dần tăng lên hàng nghìn tín đồ. Khi cái tên Bhole Baba trở nên nổi tiếng, ông lập một tu viện ở Mainpuri với tổng diện tích hơn 12 ha, tổ chức thuyết giảng vào thứ ba hàng tuần và thu hút khoảng 12.000 tín đồ mỗi buổi.

Bhole Baba còn thường xuyên đi thuyết giảng ở nhiều địa phương khác tại các bang miền bắc Ấn Độ. Năm 2022, giữa giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, Bhole Baba vẫn tổ chức buổi thuyết giảng ở quận Farrukhabad thuộc bang Uttar Pradesh với hơn 50.000 người tham, dù chính quyền địa phương chỉ cấp phép cho quy mô 50 người.

Trong thảm kịch giẫm đạp ngày 2/7 tại Hathras, cảnh sát Ấn Độ ước tính sự kiện thu hút 250.000 tín đồ, gấp hơn ba lần so với quy mô được chính quyền cho phép.

Bhole Baba có đội xe đưa đón và lực lượng cận vệ riêng được gọi là Narayani Sena. Ông này được bảo vệ cẩn mật và thường hạn chế tiếp xúc với truyền thông, cũng không có tài khoản mạng xã hội chính thức. Một tài khoản ủng hộ ông trên YouTube, với hơn 31.000 người theo dõi, mô tả các tín đồ của ông rất trung thành và sẵn sàng theo chân ông đến mọi buổi thuyết giảng để "được ban phước trực tiếp".

Hình ảnh phổ biến trong các buổi thuyết giảng của Bhole Baba là ông ngồi ở "ngai vàng" trên sân khấu cùng vợ, còn tín đồ phần lớn là phụ nữ ngồi bệt trên nền đất và chắp tay khấn vái. Khi kết thúc buổi thuyết giảng, tín đồ thường xô đẩy nhau để đến gần Bhole Baba và chạm vào chân ông để nhận "phước lành".

Cảnh sát Ấn Độ cho biết đã lập hồ sơ điều tra những người tổ chức buổi thuyết giảng hôm 2/7 và dự kiến bắt Bhole Baba, nhưng ông đã biến mất ngay sau sự kiện.

Luật sư đại diện cho Suraj Pal khẳng định ông sẵn sàng hợp tác điều tra, nhưng không tiết lộ nơi ẩn náu hiện nay của giáo sĩ này. Cảnh sát Ấn Độ đã đến tu viện ở thành phố Mainpuri vào ngày 3/7, khám xét khoảng một tiếng nhưng không phát hiện thêm manh mối nào mới.

Thanh Danh (Theo Hindu, NDTV, Indian Express)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-04T14:52:31Z dg43tfdfdgfd