'LạC đà BAY' - TìNH NGườI QUA NHữNG MIềN đấT

Tác giả Võ Đăng Khoa viết về cuộc sống với cái nhìn cảm thông và trân trọng, trong tập truyện ngắn đầu tay "Lạc đà bay".

Sách ra mắt cuối năm 2023, gồm 10 truyện ngắn, xoay quanh phận người long đong, tìm kiếm mục đích sống. Bối cảnh mở ra qua từng tên truyện như Cuối bãi, Ngược dòng, Thả mồi, Rời Bình Đa, Dưới mái ngói, từ đó các nhân vật dần xuất hiện.

Tác giả đề cập đến nhiều chủ đề quen thuộc như tình yêu, tình bạn, gia đình, cùng những khó khăn, bấp bênh. Tuy nhiên, Võ Đăng Khoa không sa đà kể lể mà đưa ra góc nhìn bản thân, giúp độc giả nhìn nhận vấn đề. Mỗi câu chuyện mang màu sắc riêng, điểm chung là kết hợp giữa hiện thực và trí tưởng tượng, thể hiện sự thương cảm về cuộc sống.

Nhiều chi tiết trong truyện gợi lên đời sống nông thôn, nơi con người cố kiếm miếng ăn qua ngày. Họ âm thầm chịu đựng nỗi đau, có người trút giận lên vợ con, như nhân vật Bảy Chó trong truyện Theo bầy, hay người cha có tính khí nóng nảy ở tác phẩm Cái gương.

Trong truyện mở đầu Nhìn nước, tác giả đưa khán giả đến không gian ngôi nhà bên sông, nơi "không có tiếng đàn bà, nó chờ ngày mục rữa". Sau đó, câu chuyện ngược về quá khứ, kể về ngày tháng mẹ và em gái của nhân vật chính lần lượt qua đời. Ở đó, nỗi đau luôn hiện hữu trong căn nhà, khiến họ hối tiếc về những sự việc đã xảy ra, không thể thay đổi.

Sách có đoạn: "Tôi khóc. Lần đó tôi khóc nhiều, nước mắt như vắt từ trong người tôi ra, ráo đến cạn. Tôi khóc cho cả những đau thương sau này chất chứa lại, tôi gom mọi nước mắt dành cả đời để trút cho một lần đó. Bóng đêm phủ lên ngôi nhà lạnh, những sợi khói bắt đầu trắng, kéo sợi vào nhau. Tôi biết nước sông quê mình lạnh từ đó".

Đôi khi, nhân vật của tác giả có nét hồn nhiên, ngờ nghệch, như Phước trong Cuối bãi. Anh say mê cô bán nước tên Diện, ngồi hàng giờ ở quán. Một phần, Phước muốn trốn khỏi không khí nặng nề ở nhà mình, phần khác anh muốn ngắm nhìn người phụ nữ đã trải qua một đời chồng. Đến lúc giao thừa, anh vẫn còn nán lại, xin đi làm công nhân cùng Diện.

Không chỉ gói gọn các câu chuyện ở vùng sông nước, Võ Đăng Khoa đưa khán giả đến với hoang mạc miền Tây - bối cảnh giả tưởng cho truyện Lạc đà bay. Tác giả lồng ghép yếu tố kỳ ảo, kể về những con thú háu ăn, gây hại cho nhiều loài sinh vật khác. Truyện còn lên án hành vi săn bắn, tàn phá thiên nhiên của con người. Qua đó, người viết đặt câu hỏi: "Đất có còn bị xâm lăng? Khi sinh sôi là điều không thể tránh khỏi".

Tác giả sử dụng ngôn ngữ giản dị, kết hợp hình ảnh sinh động và những tình tiết bất ngờ. Văn phong mang chất tự sự giúp truyền tải cảm xúc, bộc lộ góc nhìn về nhiều khía cạnh cuộc sống, tạo sự đồng cảm cho người đọc.

Võ Đăng Khoa cho biết chọn lọc các truyện ngắn từ lúc mới sáng tác đến giữa năm 2023 để đưa vào sách. "Tôi không vội hay nôn nóng cho cuốn sách đầu tay. Tôi muốn bản thảo phải làm mình hài lòng, nên việc chọn 10 truyện mất nhiều thời gian", tác giả nói.

Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhà văn Văn Thành Lê nói: "Sách mỏng, chỉ 10 truyện ngắn gần 150 trang, nhưng dày và nặng về văn phong, lối viết cùng sức dung chứa ở mỗi truyện". Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: "Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi 20".

Võ Đăng Khoa, 23 tuổi, sinh tại huyện Chợ Mới (An Giang), tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2023. Anh sáng tác văn chương từ khi học cấp ba, từng đoạt giải nhì cuộc thi viết Trái tim có nắng năm 2017 của báo Mực Tím, giải ba cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 của Tạp chí Văn nghệ TP HCM, giải nhì cuộc thi Sáng tác văn học - giải thưởng Văn học Trẻ Đại học Quốc gia TP HCM năm 2022.

Quế Chi

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-15T04:41:09Z dg43tfdfdgfd