PHIM TàI LIệU QUA LăNG KíNH SINH VIêN BáO CHí

Lần đầu tiên một liên hoan phim tài liệu của sinh viên do khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức.

11 tác phẩm góp mặt tại liên hoan phim tài liệu hoàn toàn do sinh viên thực hiện với những góc nhìn được đánh giá là mới mẻ, tươi tắn và đầy màu sắc đúng chất sinh viên.

Người trẻ kể chuyện bằng phim tài liệu

Mỗi phim kể một câu chuyện cũng chính là mối quan tâm của người trẻ về cuộc sống. Nếu Giữ cho chợ nổi không chìm, Lô tô - thời hoàng kim trở lại tạm gọi là trăn trở của các bạn về văn hóa truyền thống thì Trái tim người mẹ, Người ươm mầm nơi bản xa hay Nội Mai phải nói là sự rung động của những tấm lòng nhân ái, cao đẹp. Còn 25 năm trả nghĩa đồng đội, Nhìn về Ba Chúc phần nào đó là ý thức trách nhiệm của bạn trẻ với lịch sử dân tộc.

Bạn Nguyễn Minh Thông - đạo diễn Người ươm mầm nơi bản xa - nói nhóm muốn chia sẻ hình ảnh đẹp về thầy giáo Vũ Văn Tùng mỗi ngày vượt hơn 40km mang con chữ đến với trẻ em nghèo ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai). Nhưng đó còn là câu chuyện về những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số dẫu nhọc nhằn vẫn quyết tâm bám lớp. Và thầy Tùng qua lớp học của mình còn mời gọi cộng đồng góp tay chia sẻ bữa ăn sáng cho học trò, tặng phương tiện sinh kế, sửa sang nhà cửa cho gia đình học trò.

"Cũng có chút lo lắng vì sợ khó lột tả trọn vẹn về đề tài này song sau khi trực tiếp gặp thầy Tùng, cùng vượt đoạn đường 40km thầy vẫn đi về mỗi ngày, tụi mình quyết tâm bằng mọi giá phải làm bộ phim này. Bởi tự thân ấy đã là một câu chuyện truyền cảm hứng" - Minh Thông chia sẻ.

Trong khi đó, chợ nổi vốn chẳng xa lạ gì không chỉ ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long mà còn với người dân khắp nơi. Nhưng ngay cả việc buôn bán ở chợ truyền thống, siêu thị hiện còn gặp khó huống hồ là lênh đênh chợ nổi.

Chính những phân vân của bà con thương hồ rằng lên bờ hay tiếp tục lênh đênh sông nước mà Bành Nguyệt Minh Thư cùng nhóm F7 càng muốn kể câu chuyện về chợ nổi với ước mong "Giữ cho chợ nổi không chìm". Bởi từ lâu chợ nổi không chỉ để buôn bán. Đó được xem như nét văn hóa truyền thống, một sản phẩm du lịch của vùng sông nước miền Tây.

11 câu chuyện đầy sắc màu. Cách thể hiện, đặt và giải quyết vấn đề đều khá ổn. Thú vị nhất là các em rất trong trẻo, giữ cái hồn nhiên của tuổi trẻ để làm phim và thổi vào một cách nhìn khá mới của lớp trẻ trước các vấn đề. Tôi cho rằng cái độc đáo của liên hoan phim này là đây.
Đạo diễn ĐÀO BÁ SƠN (trưởng ban giám khảo)

Lan tỏa yêu thương, trách nhiệm

Có thể nói 11 phim đã khéo léo lồng ghép những thông điệp yêu thương qua từng khung hình, góc máy của các bạn sinh viên báo chí, truyền thông mà xin phép tạm gọi họ là những nhà làm phim trẻ không chuyên. Có thể cách khắc họa về niềm vui, nỗi buồn của từng nhân vật trong phim còn khá đơn giản nhưng là lối kể chuyện mộc mạc, dễ xem.

Biên kịch - nhà báo Nguyễn Thị Minh Diệu, thành viên ban giám khảo, nhận xét nhiều bộ phim toát lên thông điệp nhân văn, hướng đến sự lạc quan, vẻ đẹp trong tâm hồn con người nên dễ lay động người xem. "Có phim khiến ban giám khảo ngạc nhiên bởi vấn đề đặt ra về câu chuyện văn hóa, xã hội, du lịch, giáo dục khá lớn khiến chúng ta phải suy nghĩ" - bà Minh Diệu bày tỏ.

Như tác phẩm Trái tim người mẹ, hình ảnh nhân vật Nguyễn Thị Thử tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng anh Nguyễn Viết Hóa bị bại liệt do tai nạn khiến nhiều người xúc động. Khi biết hai người ấy không hề có quan hệ ruột rà máu mủ gì, khán giả càng cảm phục nghĩa cử của người mẹ.

Chọn đề tài này, bạn Đào Thị Thu Hà - biên kịch phim - chia sẻ các bạn muốn kể cho thật nhiều người biết về câu chuyện chạm đến trái tim người khác ấy. Chọn cách kể tự nhiên, các bạn không bi kịch hóa, cũng không tô hồng nhân vật. "Tụi mình hy vọng bộ phim có thể tiếp thêm niềm tin cho mọi người rằng thế gian này vẫn luôn tồn tại và đầy ắp những điều kỳ diệu, tử tế quanh ta" - Thu Hà cười.

Cũng vậy, khi làm phim về thầy giáo Tùng, nhóm của Minh Thông rất mong qua tác phẩm có thể phần nào lan tỏa về "Tủ bánh mì 0 đồng" thầy Tùng đang làm. Để chỉ cần mỗi người biết tới giúp một tay, những bạn học sinh nơi đó sẽ có thêm bữa sáng. Đó cũng là cách các bạn sinh viên lan tỏa những thông điệp tích cực, đem nhân vật mình tìm được với những câu chuyện nhân văn đến gần hơn với khán giả.

Từ góc nhìn một người làm báo, biên kịch Nguyễn Thị Minh Diệu cho rằng các bạn sinh viên báo chí bằng kiến thức được học cùng khao khát làm nghề đã dốc tâm xây dựng "đứa con đầu lòng" của mình bằng tất cả sức lực và tình yêu. "Một số phim được ban giám khảo đánh giá cao không chỉ về tính chuyên nghiệp mà còn truyền tải thông điệp tốt, cảm xúc đẹp và có độ lan tỏa xã hội" - bà Minh Diệu nói.

Nội Mai giành giải nhất

Liên hoan đã trở thành không gian cho các sinh viên yêu thích thể loại phim tài liệu cùng gặp gỡ, chia sẻ với nhau và học hỏi từ các tiền bối. Năm phim xuất sắc nhất được chọn công chiếu trong đêm chung khảo.

Câu chuyện về cụ bà ngoài 70 tuổi bán đồ chơi ở cổng Thảo cầm viên Sài Gòn để dành từng đồng lo chăm đám mèo hoang, chim chóc cũng là nhân vật chính của phim Nội Mai đã xuất sắc giành giải nhất, trong khi Giữ cho chợ nổi không chìm đoạt giải phim được yêu thích nhất.

Cơn mưa quà tặng từ các nhà hảo tâm đã dành cho những nhân vật khó khăn xuất hiện trong tác phẩm Trái tim người mẹ và Nội Mai. Mô hình "Tủ bánh mì 0 đồng" của thầy giáo Vũ Văn Tùng cũng nhận được nhiều sự chung tay sau khi phim Người ươm mầm nơi bản xa được phát trên mạng xã hội.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-03T02:43:17Z dg43tfdfdgfd