MặC CảM Vô SINH

Suốt 7 năm điều trị vô sinh, chị Linh, 35 tuổi, tránh các cuộc tụ họp, ngừng tương tác trên mạng xã hội vì không muốn mọi người hỏi chuyện con cái.

"Ai cũng có con, trừ tôi", chị Linh, ngụ Vĩnh Phúc, nói hôm 30/6, cho biết được bác sĩ chẩn đoán vô sinh do niêm mạc mỏng, suy buồng trứng. Mặc cảm không con, sống cùng bố mẹ nhưng vợ chồng chị Linh thường ở lại công ty muộn để về ăn bữa tối sau gia đình. Họ lảng tránh những câu hỏi liên quan, không muốn chia sẻ về quá trình điều trị.

Tương tự, chị Hương, 39 tuổi, ngụ Lạng Sơn, sống khép mình suốt 12 năm vô sinh không rõ nguyên nhân. Còn anh Hùng, 35 tuổi, mắc quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, điều trị Đông y nhiều năm không hiệu quả, bác sĩ tư vấn muốn sinh con phải xin tinh trùng. Mặc cảm đàn ông "yếu sinh lý", anh cũng rất nhạy cảm khi đề cập đến vấn đề con cái.

TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết khảo sát 537 bệnh nhân điều trị vô sinh trong 6 tháng đầu năm tại đây, khoảng 30% cặp vợ chồng hiếm muộn có xu hướng tự cô lập với gia đình và xã hội suốt quá trình chữa trị.

Kết quả đánh giá tổng hợp hơn 9.600 phụ nữ vô sinh trong vòng 20 năm, đăng trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ, cho thấy hơn 44% có các triệu chứng rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm và xu hướng cô lập. Mức độ cô lập tăng lên ở trường hợp vô sinh nhiều năm, điều trị kéo dài hoặc chuyển phôi thất bại nhiều lần.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý tâm thần Phạm Văn Dương lý giải rằng điều trị vô sinh quá lâu khiến người bệnh mệt mỏi, mất tự tin, ngại tiếp xúc với bên ngoài, cảm thấy an toàn hơn khi không gặp hay nói chuyện với ai. Vô sinh có thể gây sốc, cô đơn, cảm giác bị cô lập và không ít người bệnh có xu hướng tự cô lập.

"Bệnh nhân vô sinh tập trung vào việc 'tìm con' mà quên chữa lành cho chính mình", bác sĩ Dương nói.

Các trường hợp này, bác sĩ phải xác định chính xác nguyên nhân vô sinh để điều trị trúng đích, kết hợp liệu pháp tâm lý giúp người bệnh "cởi trói" tư tưởng, yên tâm điều trị. Trong quá trình này, người thân cũng như gia đình cần đồng hành cùng vợ hoặc chồng mình, cảm thông, khích lệ, giúp họ giảm áp lực tâm lý. Bệnh nhân có thể điều trị bệnh tâm lý - tâm thần trước hoặc kết hợp song song với chữa vô sinh.

Chị Linh được bác sĩ tâm lý tư vấn tập yoga, tập thở thiền, chăm sóc cây cối và tìm thú vui riêng. Chị chủ động chia sẻ với bố mẹ và nhận lại được sự quan tâm, động viên, tạo động lực tiếp tục điều trị. Sau khi xử lý tình trạng viêm và bơm huyết tương giàu tiểu cầu cải thiện độ dày niêm mạc tử cung trước trước chuyển phôi, chị mang thai thành công. Hiện con gái chị 7 tháng tuổi.

Chị Hương mất 3 tháng điều trị tâm lý trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm và có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên.

Anh Hùng sau một thời gian trị liệu cùng bác sĩ tâm lý cũng dần xóa bỏ mặc cảm. Nhờ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (micro-TESE), anh tạo được 5 phôi tốt chờ chuyển vào tử cung người vợ.

Bác sĩ Lê Hoàng khuyên gia đình, bạn bè của bệnh nhân vô sinh nên thể hiện sẵn sàng đồng hành, lắng nghe. Người bệnh vô sinh hiếm muộn nên chủ động chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ, cân bằng cảm xúc bằng cách thực hiện những thói quen tích cực, duy trì vận động phù hợp, kết nối với mọi người.

"Đây có thể là chiếc phao cứu sinh giúp họ gỡ nút thắt lo âu, trầm cảm trong quá trình chữa vô sinh", PGS Hoàng nói.

Thanh Ba

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-01T02:15:57Z dg43tfdfdgfd