'THảM HọA TRắNG': MUA PHầN BúN Bò Có íT NHấT 7 TúI NI LôNG

Các siêu thị từng rầm rộ gói rau trong lá chuối, trong giấy, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại quay về với túi ni lông. Tại sao?

Phong trào vận động hạn chế dùng túi ni lông kéo dài chưa được bao lâu, gần đây nhiều cửa hàng, siêu thị tiếp tục thoải mái phát túi ni lông cho khách hàng.

Theo bạn đọc Nhất Nguyên, việc này phải hết sức thận trọng, bởi về lâu về dài sẽ gây ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý bài viết này.

  • Người tuyên truyền, người khác lại thả túi ni lông xuống sôngĐỌC NGAY

Đã dặn không lấy muỗng nhựa, túi ni lông, quán vẫn bỏ vào

Với xu hướng hiện nay, việc đặt thức ăn qua ứng dụng gần như là thói quen của rất nhiều người tiêu dùng.

Phần vì tiết kiệm thời gian, phần vì được hưởng khuyến mãi, phần tiện lợi.

Tuy nhiên không nên lạm dụng điều này quá mức, sẽ dẫn đến những hệ lụy khác.

Ý thức được mặt trái của nó, mà cụ thể là phát sinh ra lượng rác thải nhựa thông qua bao bì, túi đựng, nên tôi thường chủ đích chọn các quán đựng thức ăn trong các loại hộp thân thiện như hộp giấy, hộp bã mía và luôn ghi chú "không lấy muỗng đũa".

Thế nhưng gần như 10 đơn thì hết 9 đơn, nhà hàng, quán ăn đã bỏ muỗng đũa dùng một lần, hay cho thêm nhiều túi ni lông vào. Có thể là do quán quá bận, không để tâm đến, hoặc cũng có thể là do thói quen của người bán, cho rằng ai cũng thích có túi ni lông cho tiện.

Thí dụ như mua một phần bún bò thì có ít nhất 7 cái túi ni lông lớn nhỏ khác nhau: đựng bún, đựng nước lèo, đựng rau, đựng chanh ớt, đựng sa tế, đựng nước mắm, và một cái to nhất, đựng hết mấy cái vừa kể.

Muốn xin ít lại vì đã mang theo cái cà-mèn đựng bún thì cô bán hàng còn cười bảo tôi lắm chuyện. Còn ăn tại quán thì cũng ôi thôi, nhiều chỗ dùng muỗng nhựa, đũa dùng một lần, bọc đũa bằng ni lông hòa cùng giấy ăn vương vãi khắp nơi.

Phát cáu với nhân viên không chịu dán giá tiền lên rau củ

Có thể nói nhựa, mà cụ thể là túi ni lông, dường như đã "bao" gần hết các hoạt động của người Việt Nam, khiến nhiều người chúng ta nghĩ chúng quá tiện lợi, không thể bỏ được.

Như mỗi lần đi siêu thị, gia đình chúng tôi đều mang theo túi vải và luôn phải ngăn nhân viên tính tiền bỏ đồ vào túi ni lông. Vậy mà cuối cùng mỗi tuần đi về đều phải mang về nhà ít nhất 3-4 túi ni lông bởi một siêu thị ở TP.HCM, nơi chúng tôi thường đến. Nhân viên bỏ tất cả những thứ chưa được cân vào túi ni lông, kể cả 1 quả cà.

  • AEON Việt Nam giảm 12 triệu túi ni lông bằng những sáng kiến “xanh”

  • Người dân TP.HCM vẫn giữ thói quen sử dụng túi ni lông

  • Vẫn vất vả để hạn chế túi ni lông

Có lần chúng tôi đã phải phát cáu với nhân viên siêu thị này. Chúng tôi yêu cầu dán nhãn giá tiền sau khi cân lên quả dưa lưới vì chúng tôi không muốn dùng túi nhựa. 

Thế nhưng theo thói quen, nhân viên vẫn bỏ quả dưa vào túi ni lông rồi cân.

Hay như lần khác, chúng tôi muốn bỏ 1 củ cà rốt, ít củ khoai tây, và 1 củ su hào vào chung một túi ni lông cho tiết kiệm, đỡ phần nào rác thải. Nhưng nhân viên quầy cân rau củ quả nhất định không chịu, bỏ riêng từng cái ra dù chúng tôi bảo rằng có thể bỏ chung và dán 3 cái nhãn tính tiền bên ngoài.

Sau một hồi thì cuối cùng đành chào thua vì nhân viên bảo: "Đây là quy định của siêu thị, không thể làm khác được!".

Cũng ở siêu thị này và một số siêu thị khác mà chúng tôi đã từng đến mua sắm, mỗi khi đứng chờ ở quầy tính tiền, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhân viên hào phóng cho khách thêm cơ man nào là túi.

Có khi khách yêu cầu xin thêm túi ni lông, nhân viên cũng cho thêm luôn mà chẳng ai đoái hoài đến việc phát sinh rác thải nhựa, hoặc cũng có thể là vì sợ khách hàng đánh giá không tốt về mình.

Có lẽ vì vậy mà không khó bắt gặp hàng đống rác thải nhựa, túi ni lông tích tụ ven đường, trên các bụi cây...

Giải pháp cho vấn đề này đã được bàn thảo, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng thật buồn là dường như chưa đi đến đâu, không giải quyết triệt để và thường chẳng kéo dài.

Như trước đây các siêu thị đã rầm rộ gói rau trong lá chuối, trong giấy, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại quay về với túi ni lông.

Nên tính tiền túi ni lông, không phát miễn phí tràn lan

Đã đến lúc các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi nên tính tiền túi ni lông, không thể cứ phát miễn phí với số lượng không hạn chế như hiện nay.

Việc tính thêm ít tiền, dù không nhiều nhưng cũng sẽ khiến nhiều người cân nhắc chuyện mua túi ni lông, thấy thật sự có cần thiết phải tốn thêm tiền để mua túi hay không. Đi kèm với đó là chính sách giảm tiền hóa đơn, hoặc tăng điểm tích lũy (với thẻ thành viên), hoặc quà tặng cho các khách tự mang theo túi đựng.

Việc này đã được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện thành công, góp phần thay đổi đáng kể hành vi người tiêu dùng.

Có như vậy người tiêu dùng từ đó ý thức hơn, cẩn trọng hơn trong việc sử dụng túi ni lông, giảm tác hại của "thảm họa trắng" đến môi trường.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-30T04:36:38Z dg43tfdfdgfd