'TấM Vé' đạI HọC Và CâU CHUYệN HọC TậP SUốT đờI để KHôNG LỗI NHịP TRONG THờI đạI Số

Theo TS. Cù Văn Trung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội), dù đỗ đại học hay không, mỗi bạn trẻ hãy khắc cốt ghi tâm về tinh thần tự học suốt đời để không bao giờ lạc hậu và lỗi nhịp trước cuộc sống đầy biến động.

TS Cù Văn Trung cho rằng, quan niệm đỗ bằng được đại học đã không còn phù hợp trong bối cảnh với nhiều thời cơ và thách thức như hiện nay.

Chuyển mình để thích ứng

Các sĩ tử vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Góc nhìn của ông thế nào về việc định hướng để các bạn trẻ có thể tìm được nơi phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân chứ không phải chạy theo “tấm vé” đại học?

Tôi tin, sau khi hoàn thành kỳ thi vừa qua, bản thân các em đều tự đánh giá bước đầu, cơ bản về mức độ và khả thi trong bài làm của mình. Trên cơ sở đó, mỗi bạn hãy tự nghiền ngẫm về những hướng đi, hoạch định thử về sự lựa chọn tương lai trên con đường học tập, học nghề tiếp theo.

Mỗi em cần căn cứ vào sở trường, sở thích, năng khiếu, thế mạnh của bản thân để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Nếu bạn nào may mắn hơn, năng lực nổi trội hơn (trong thời điểm hiện tại) mà vào thẳng đại học thì quả là một thành công như mong muốn. Tuy nhiên, để duy trì điều đó, thế mạnh ấy trong tương lai cũng là cả một sự nỗ lực.

Ngược lại, đối với các sĩ tử mà kết quả thi chưa được như ý vì lý do nào đó mà phải rẽ ngang sang con đường học nghề thì hãy xem đó chỉ có tính chất giai đoạn, không phản ánh tất cả sự hạn chế hay năng lực của cuộc đời mỗi người.

Như chúng ta đã biết, đặc trưng của thời kỳ công nghệ hiện nay chính là vấn đề học tập suốt đời, học tập không ngừng, tính tự học, tự đào tạo phải rất cao. Do đó, dù có đỗ đại học hay không, dù ra trường sớm hay muộn thì mỗi bạn trẻ cần khắc cốt ghi tâm về tinh thần tự học suốt đời để không bao giờ trở lên lạc hậu và lỗi nhịp trước cuộc sống đầy biến động.

Quan niệm đỗ bằng được đại học đã không còn phù hợp trong bối cảnh với nhiều thời cơ và thách thức như hiện nay. Một số bậc cha mẹ chưa thực sự cởi mở hay thấy hết được đa dạng của thời đại công nghệ số, của xã hội đang đổi thay cũng như yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0. Vì thế, các bạn trẻ phải dần tiệm cận tới sự đòi hỏi, thích ứng với các yếu tố, nhu cầu cần thiết trong tương lai.

Nếu như kết quả thi của con em không được như ý muốn thì cha mẹ cần làm gì để “chống sốc” cho con em mình?

Các bậc phụ huynh cần có niềm tin vào con em mình, vào các sản phẩm do mình nuôi dưỡng, chăm lo. Khi biết con mình điểm thấp, không được như ý muốn, cha mẹ cũng không cần thiết phải nặng lòng, lo lắng. Cuộc sống là một hành trình, điểm số thi cử của các sĩ tử thời điểm này có thể hiển thị chưa hết, chưa toàn diện tất cả khả năng, năng lực tổng thể, bề sâu và tiềm ẩn của mỗi cá nhân các bạn trẻ.

Phụ huynh hãy là tấm gương cho sự nỗ lực, cố gắng làm người, làm việc để con nhìn theo, noi theo và học tập. Họ tin vào chính họ, tin vào sự tử tế, lương thiện cùng sự cần cù, siêng năng lao động trong cuộc sống để con em mình có động lực từ sự gần gũi, từ những bài học thực tế.

Mục tiêu đầu ra vẫn phải là những con người có ích, có đạo đức, giúp ích được cho bản thân và góp phần trách nhiệm với xã hội. Cha mẹ mà mạnh mẽ, kiên trì, kiên nhẫn mục tiêu tốt đẹp của cuộc sống chính là điểm tựa vững chắc cho con em mình.

Giữ tâm thế tự chủ để chinh phục tri thức

Trong thời đại Trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi thì cần có giải pháp gì để việc học tập, thi cử nhẹ nhàng hơn?

Việc đề cao quá nhiều về thành tựu của thời đại 4.0, của công nghệ số cũng có tính hai mặt. Đó là khiến một số người hoang mang, bất an và lo lắng về bản thân mình liệu có đáp ứng được các yêu cầu trong tương lai. Áp lực đôi khi lại chính là do chính chúng ta tự tạo, trong khi muốn đi nhanh thì phải có bước tạo nền, muốn phát triển bền vững thì phải có thời gian xây dựng.

Tức là, phải có giai đoạn tĩnh, giai đoạn chuẩn bị để tạo bước nhảy vọt. Chúng ta hãy cứ bù đắp những thiếu sót, những thứ cần học sao cho phù hợp với năng lực của mỗi người. Học tập bằng nhiều cách, học từ bạn bè, từ thầy cô, từ công nghệ, nền tảng mạng xã hội, Google... Mỗi cá nhân phải tự tin vào bản lĩnh của mình, tránh bị tác động từ bên ngoài mà cần giữ cho mình tâm thế tự tin, tự chủ để chinh phục tri thức.

Người lớn hãy hướng dẫn các em cách “quán chiếu”, quên đi những thúc ép từ mọi yếu tố khách quan, thay vào đó là khơi gợi sự tìm tòi, khám phá và ham hiểu biết tri thức. Thực tế, không ít phụ huynh cũng là tác nhân gây là các áp lực cho các em.

Tôi không bằng lòng với những khẩu hiệu kiểu “áp lực tạo kim cương”. Không nên tạo áp lực một cách không có căn cứ, trên các nền tảng không có gì, đấy là phản khoa học. Những áp lực phải dựa trên các năng lực thích ứng, phù hợp khi được động viên, khích lệ và thúc đẩy, để các em mới nỗ lực để đạt được nhiều thành tựu cao hơn.

Đặc biệt, chỉ vì chiều lòng người lớn, sự “bơm thổi” quá đà của truyền thông về tính chất khốc liệt của cạnh tranh thời đại 4.0, của công nghệ số mà chúng ta vô hình trung làm giá hóa suy nghĩa của không ít các khuôn mặt trẻ.

Người lớn hãy trao quyền lựa chọn ngành nghề cho các em. (Nguồn: VGP)

Công việc hiện nay đòi hỏi những kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện... Bạn trẻ cần chuẩn bị gì để không gặp khó trong nghề nghiệp tương lai?

Như chúng ta thường được nghe, trong tương lai không xa các ngành nghề có tính chất sáng tạo không cao, lặp đi lặp lại sẽ bị thay thế bằng công nghệ. Nhưng tôi nghĩ, sự đa dạng của những loại hình công việc mới cũng là cơ hội cho người trẻ. Có rất nhiều phương thức kinh doanh và kiếm tiền mới được mở ra. Để không trở thành một người “trôi dạt” trong một tương lai nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, bất định - mỗi bạn trẻ phải chuyên sâu một lĩnh vực mà mình có năng khiếu.

Các em hãy học tập nghề ấy một cách thành thạo, máy móc công nghệ đến đâu vẫn không chi tiết đến mức chuyên gia như một con người cụ thể. Chúng ta có thể trở thành người chủ, người thợ máy, điều hành và quản lý chính các công nghệ, công cụ nghề nghiệp đó.

Nhưng như thế là chưa đủ, từ đó, các bạn trẻ phải học rộng ra, mở rộng ra từ các ngành nghề và lĩnh vực có liên quan. Thêm vào đó, tính liên kết và khả năng thay thế khi cần để người trẻ có thể uyển chuyển sang lĩnh vực công tác khác khi cần.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại rằng, năng lực tự học, tự đào tạo và học tập suốt đời để có một nghề thành thạo cùng kỹ năng liên kết, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác chính là yếu tố để đảm bảo sự thành công của người trẻ.

Trao quyền cho người trẻ

Thế hệ trẻ hiện nay có điều kiện để học tập và phát triển nhưng thực tế nhiều em vẫn chưa định hình được mình thích gì, muốn gì?

Người trẻ sẽ là người hiểu bản thân nhất. Tôi mong, người lớn nên trao quyền tự quyết cho các em. Cha mẹ hãy thực hiện tốt vai trò là người định hướng, đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở hiểu biết về tính cách của con em mình, về các sản phẩm mà mình cất công nuôi dưỡng, tạo ra. Sự thông thái của cha mẹ chính là việc định hướng, dõi theo và lựa chọn các giải pháp, bày sẵn các kịch bản cho các cháu lựa chọn, còn quyền quyết định là ở các em.

Nhưng thực tế, chúng ta đang có một môi trường học đường bị bủa vây bởi thành tích, lợi ích kinh tế được len lỏi từ một số các trường nghề vào hệ giáo dục phổ thông nhằm tuyển sinh thông qua nhân danh chương trình hướng nghiệp, dạy nghề. Điều đó khiến các em lúng túng, phân vân, thậm chí hoang mang khi phải lựa chọn.

Về phía phụ huynh, mức độ nhận thức không đồng đều, rất khác nhau nên vai trò dẫn dắt, khích lệ và định hướng con trẻ còn yếu. Đặc biệt, đội ngũ tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường chưa mạnh, số người tư vấn nghề nghiệp chưa rộng. Họ chưa thực sự là những cá nhân có trải nghiệm trong xã hội, làm ở các môi trường tư và công, làm thuê hay làm ông chủ ngoài đời nên việc tư vấn nghề nghiệp cho các em cũng nặng về lý thuyết, ước đoán. Tất cả những điều này đều là trở ngại thời gian qua, vì vậy việc chọn ngành, chọn nghề của mỗi bạn trẻ vẫn trông chờ vào sự tỉnh táo, sáng suốt của mỗi gia đình và các em học sinh.

Sự biến động không ngừng của thế giới buộc mỗi người phải thay đổi thế nào, phải học hỏi ra sao để nắm bắt cơ hội mới, nghề nghiệp mới cho chính mình, theo ông?

Câu hỏi này là câu hỏi đi cùng thời đại, ở Việt Nam cũng có chưa nhiều cá nhân đi cùng thời đại như thế. Chúng ta hãy tham khảo các kỹ năng cần thiết của con người mới do các tổ chức quốc tế đã nêu ra, coi đó là phổ quát để mỗi công dân nên học tập và cần có.

Bộ kỹ năng sống (6 kỹ năng đầu đời, 4 kỹ năng, 6 phẩm chất người trong thời đại máy) được khuyến nghị đối với mỗi công dân toàn cầu trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Ngoài ra, trí tuệ số trong đó bao gồm có tinh thần khởi nghiệp số, công dân số và sáng tạo số cũng là vấn đề lưu ý để các bạn trẻ tham khảo cho để thực hiện tốt các tiêu chí ấy. Phải làm sao để trở thành công dân số thì có một số yếu tố như xây dựng hình ảnh cá nhân, bảo vệ an toàn dữ liệu trên các nền tảng xã hội, quản trị thời gian online…

Muốn khởi nghiệp số thì phải biết cách sáng tạo nội dung số ra sao (khả năng hội nhập vào hệ sinh thái số bằng cách sản xuất nội dung số), tư duy phản biện và xử lý các tình huống trong công việc, khả năng sử dụng truyền thông và công nghệ số để giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra những cơ hội mới.

Tiến trình phát triển của nền công nghiệp 4.0 tuy nhanh, cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn còn thời gian để một số quốc gia và người trẻ chuẩn bị, trang bị chu đáo thêm các năng lực để phát triển trong tương lai.

Có thể thấy, một số quốc gia có cách hội nhập một cách phù hợp với năng lực của nhà quản lý và của cư dân trong xã hội của họ. Chúng ta sẽ được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ và sẽ là những người sử dụng, vận hành nó.

Xã hội được thừa hưởng, được tiếp nhận cũng không quá khó để thích nghi. Người Việt có khả năng cập nhật, thích ứng cao rất cao. Cơ hội nghề nghiệp của các bạn trẻ là vô cũng rộng mở và đa dạng, việc học tập một cách bình tĩnh, từ tốn và kiên trì trong trạng thái chủ động, phát triển năng lực quan sát, phản biện và tập thói quen tư duy chính là "công nghệ" để nắm bắt cơ hội trong thời gian tới.

Xin cảm ơn TS!

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-02T07:14:47Z dg43tfdfdgfd