LàM SAO XóA 'NHà Cá MòI'?

"Nhà cá mòi" là khái niệm chỉ những căn nhà, căn hộ bé tí tẹo, người sống trong đó phải xếp chồng lên nhau theo kiểu cá mòi trong hộp thiếc khi ngủ.

Đó là những căn nhà chừng 2 - 4m2 chỉ đủ có nhà vệ sinh và cái bàn nhỏ, trong khi phải nhồi nhét đến hơn chục người của 2 - 3 thế hệ sống chung, phải chia ca ra để ngủ nghỉ, tắm giặt...

Tình trạng như thế đã tồn tại hàng chục năm nay ở khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, khu chợ Gà - Gạo, phường Cầu Ông Lãnh.

Chính quyền phường, quận, TP qua các thời kỳ đều nhận thấy không thể để như thế và đặt quyết tâm chính trị cao trong các nghị quyết, vì nó ở ngay khu vực lõi của TP...

  • Bí thư quận 1 Dương Anh Đức: Giữa trung tâm, có gia đình chia ca ngủ vì chật chộiĐỌC NGAY

Những khu này lại được các doanh nghiệp dành một sự quan tâm đặc biệt vì nó là đất "kim cương", hệ số sinh lời rất cao.

Chính quyền muốn, doanh nghiệp muốn, tất nhiên là người dân cũng muốn, nhưng tại sao nó cứ ì ra như thế?

Vấn đề nằm ở quy mô công trình xây dựng. Với diện tích rất nhỏ chỉ chừng 0,6ha (6.000m2), nằm ở khu vực 930ha, được gọi là khu vực hạt nhân cho nên bị khống chế chiều cao, dân số và mật độ xây dựng.

Theo quy định, khu vực chợ Gà - Gạo chỉ được xây dựng với mật độ 50% (50% còn lại dành cho giao thông, công trình dân sinh và không gian công cộng...) có chiều cao tối đa 50m, tương đương với 10 - 12 tầng.

Với quy định này, số căn hộ chỉ xây được 600 căn, dân số khống chế khoảng 1.800 người, trong đó 300 căn phải dành cho tái định cư dân tại chỗ.

Như vậy không chủ đầu tư nào dám nhảy vào vì chắc chắn là lỗ, thậm chí lỗ to. Các chủ đầu tư tính toán nếu muốn có lợi nhuận thì mật độ xây dựng phải từ 60 - 70%, chiều cao nâng lên 80 - 100m, tương đương 24 - 30 tầng, số căn hộ phải trên 1.000 căn và dân số tăng trên 3.000 người.

Chính quyền TP thấu hiểu, nhà đầu tư biết, nhân dân biết. Nhưng làm sao thay đổi? Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần 31 ngày 13-6 khi đề cập chuyện này,

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng TP.HCM cần phải có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng thêm nữa.

Nhân đây chúng ta cũng có thể tham khảo một ví dụ thực tế từ Hà Nội. Hà Nội bế tắc việc cải tạo chung cư cũ, một trong những lý do là việc đập bỏ chung cư cũ xây chung cư mới bị khống chế bởi các quy định xây dựng cứng nhắc hàng chục năm nay.

Và UBND TP Hà Nội đã có một bước đi đột phá là ban hành đề án mới về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP với một tinh thần rất quyết liệt. 

Ngày 19-1-2024, đề án đó được chính thức ban hành, trong đó có một nội dung quan trọng là Hà Nội giao quyền cho các quận huyện tự chủ thực hiện chương trình này, TP cho chủ trương, còn các quận huyện hành động.

Điều quan trọng nhất ở đây là quận huyện được quyền xây dựng quy chuẩn, tiêu chí và yêu cầu kỹ thuật cho từng chung cư ở từng địa điểm cụ thể sao cho hấp dẫn nhà đầu tư.

Sau khi UBND TP Hà Nội công bố chương trình này, đã có hơn 100 nhà đầu tư đăng ký tham gia cùng các quận huyện xây dựng mới các chung cư. Đề án này được người dân đồng tình, các nhà đầu tư quan tâm và như thế cửa đã được mở.

Nếu TP.HCM vận dụng nghị quyết 98 và rút kinh nghiệm từ Hà Nội thì trường hợp khu dân cư Mả Lạng, khu Gà - Gạo và nhiều nơi khác sẽ nhanh chóng được giải quyết dứt điểm.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-30T07:34:02Z dg43tfdfdgfd