ỒN CHUYệN NHà THơ Bị đòI 'QUà' KHI VàO HộI

TP - Những ngày qua cái tên Lương Thị Hương Lan phủ sóng rộng trong giới văn chương, không phải nhờ tác phẩm.

Trên trang cá nhân Facebook, nhà thơ nữ gây “sốc” khi tung bài viết nói về lý do bà bị loại khỏi danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM, đại ý: Người giới thiệu bà vào Hội liên tục vòi “quà” nhưng bà không đáp ứng. Cho nên, người này đã viết đơn gửi Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn TPHCM đề nghị xoá tên Lương Thị Hương Lan khỏi danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

Bà Hương Lan kể trên Facebook như sau: Bà là “người sáng tác thơ” và đã xuất bản 3 tập thơ, có nguyện vọng trở thành hội viên Hội Nhà văn TPHCM nên đã chủ động làm đơn, hoàn tất các thủ tục để xin vào Hội. Người giới thiệu bà vào Hội chính là nhà thơ Phạm Trung Tín.

Qua hai vòng “chấm” của hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành, bà có tên trong danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2023. Danh sách đã được công bố trên website của Hội cùng giấy mời đến nhận quyết định kết nạp hội viên vào ngày 12/1/2024.

Đột ngột vào ngày 10 tháng 1 (trước sự kiện quan trọng 2 ngày) bà nhận được thông báo không được phép đến nhận quyết định do ông Phạm Trung Tín có đơn gửi Ban chấp hành Hội đề nghị xoá tên bà khỏi danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM với lý do “cực kỳ vô lý”, không có bằng chứng.

“Có phải vì tôi không chi tiền hay không”, bà Lương Thị Hương Lan viết trong đơn gửi các cơ quan chức năng. Theo bà Hương Lan, ông Phạm Trung Tín nhiều lần nhắn tin, gọi điện “vòi quà” và bà không đáp ứng.

Lễ tổng kết của Hội Nhà văn TPHCM ngày 12 tháng 1 năm 2024 có phần kết nạp hội viên mới, bà Hương Lan không được dự

Bà Hương Lan giãi bày với phóng viên: “Tôi đã chờ đợi lâu, gần như năn nỉ Hội Nhà văn TPHCM trả lời tôi phạm lỗi gì, hãy giải thích và cung cấp bằng chứng. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Tôi buồn và bức xúc nên đưa lên mạng cho cộng đồng biết”.

Nên có “thù lao” cho người giúp mình?

Phóng viên đặt câu hỏi với nhà thơ Phạm Trung Tín: “Đọc bài viết của bà Lương Thị Hương Lan trên trang cá nhân nhiều người nghĩ, nếu không có “quà” thì khó vào Hội. Có hay không chuyện ông đòi “quà” người được ông giới thiệu vào Hội?”.

Nhà thơ gốc Hải Phòng đáp: “Khi tôi nhận lời đứng ra giới thiệu các cô vào Hội thì tôi có đề nghị một số nhà văn, nhà thơ đọc tác phẩm của các cô để họ thẩm định, nhận xét và bỏ phiếu cho các cô. Tôi đề cập, theo thông lệ khi mình nhờ ai việc gì mình cũng phải trao đổi với người ta và có thù lao.

Người ta không có nhiệm vụ giúp mình mà muốn người ta hiểu thơ của mình, đọc mình thì mình phải có cử chỉ như thế. Các cô lúc đó nhất trí với trao đổi của tôi. Theo tôi, đó là tri ân những người đã giúp mình, là quà hay gì thì cũng chỉ nhỏ nhoi, không đáng kể”.

Phóng viên lại hỏi: “Thông lệ như ông nói là… thông lệ gì?”. Nhà thơ nói ngay: “Thông lệ xã hội”. Phóng viên hỏi tiếp: “Bà Lương Thị Hương Lan “tri ân” ông cái gì?”. Nhà thơ Phạm Trung Tín khẳng định: “Tôi không trực tiếp nhận của cô ấy cái gì. Hôm đó tôi có bận việc ra Bắc nên tôi nhắn tin với các cô ấy, các em được vào Hội rồi thì các em điện thoại cảm ơn những người đã giúp mình.

Thứ nữa là các em nghiên cứu quà để tặng, làm sao thể hiện tình cảm của mình. Quà ít hay nhiều không quan trọng. Cô ấy bảo tôi “vòi” quà thì tôi có đề cập gì tới tiền bạc đâu?”.

Mất bình tĩnh, không ký biên bản?

Vì sao trước ngày bà Lương Thị Hương Lan nhận quyết định để trở thành hội viên chính thức Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Phạm Trung Tín lại đột ngột viết đơn đề nghị dừng lại? Nhà thơ Phạm Trung Tín kể: “Ngày trao quyết định là ngày 12 tháng 1 nhưng ngày 10 tháng 1 có một người lên gặp Chủ tịch Hội, phản ánh cô Hương Lan vu cáo người ta (vu cáo “gạ” tình, rủ đi nhà nghỉ).

Vì thế, người này bị gia đình, bạn bè hiểu lầm, nên muốn đề nghị Hội có giải pháp, nếu không ông sẽ đến ngay buổi kết nạp để “xử lý”. Trước sự việc này, Trưởng ban kiểm tra của Hội gọi điện cho tôi, vì tôi là người giới thiệu nên tôi phải chịu trách nhiệm.

Trưởng ban kiểm tra yêu cầu trước tình hình phức tạp thì tôi phải làm đơn xin BCH để lại trường hợp cô Lan xem xét sau, cho lễ tổng kết đảm bảo thành công vì hôm ấy có cả Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham dự”.

Ông nói thêm: “Trước đây tôi đề nghị tạm thời chưa công bố quyết định kết nạp để xem xét việc này nhưng nay thời gian trôi qua rồi nếu không có vấn đề sai phạm về mặt xã hội thì theo tôi cũng nên xem xét trao quyết định cho cô ấy”.

Chúng tôi cũng đã tìm cách liên lạc qua điện thoại với nhà thơ Bùi Phan Thảo, Trường Ban Kiểm Tra - Hội Nhà văn TPHCM nhưng không thể kết nối.

Còn nhà thơ Phạm Trung Tín cho biết thêm: Ban Kiểm tra cũng đã gặp bà Lương Thị Hương Lan rồi nhưng bà mất bình tĩnh, không ký biên bản. Bà Hương Lan phản hồi: “Đó chỉ là cuộc tranh luận, cãi lộn sao phải ký? Cô Nguyên Trân, Ban Kiểm tra của Hội, nói rằng tôi không phải hội viên không có quyền khiếu nại. Vì không phải hội viên nên tôi xin phép ra về, không ký”.

Phóng viên hỏi: “Ông nghĩ gì khi cây bút Lương Thị Hương Lan chụp tin nhắn trao đổi về quà cáp giữa hai người và tung lên mạng xã hội?”. Nhà thơ gốc Hải Phòng cho rằng: “Tin nhắn trao đổi giữa hai người là bình thường nhưng tôi không biết cô ấy suy nghĩ thế nào lại làm thế? Nếu thấy vấn đề bất ổn nên báo công an để giải quyết thì tốt hơn. Dù sao sự việc này cũng mất vui”.

Nhà thơ Phạm Trung Tín khẳng định, ông không vòi “quà”

Lần đầu tiên “dính” ồn ào có tính… lan tỏa

Ông Phùng Hiệu - UVBCH Hội Nhà văn TPHCM, Thường trực trang web Văn chương TPHCM - Diễn đàn văn học Hội Nhà văn TPHCM đánh giá: “Thực tế tác phẩm của Lương Thị Hương Lan tương đối khá. Kết nạp vào Hội dựa trên tác phẩm, không dựa trên giàu, nghèo, vị trí xã hội… Tác phẩm của cô ấy đạt nên BCH đồng ý để cô vào Hội và đăng thông tin này trên trang web của Hội Nhà văn TPHCM cùng thư mời đến nhận quyết định kết nạp.

Tuy nhiên, vào giờ phút cuối, người giới thiệu, ông Phạm Trung Tín gửi đơn đến, trong đó nói cô Lương Thị Hương Lan lùm xùm việc này, việc kia. Theo quy chế của Hội, một người đang được kết nạp vào Hội mà dính lùm xùm, Hội có thể tạm dừng. Tạm dừng chứ không phải xoá tên”. Phóng viên hỏi: “Cụ thể lùm xùm ấy là gì?”.

Nhà văn, nhà báo Phùng Hiệu đáp: “Quan hệ ở ngoài thôi, có người thích cô, tán tỉnh cô, cô dùng lời nặng nề đáp lại, người ta bảo nhà văn sao ăn nói vậy”.

Ông Phùng Hiệu cũng chia sẻ thêm: “Tôi được biết, ban kiếm tra của Hội đã từng có cuộc làm việc với cô Lương Thị Hương Lan và nói rõ, sau khi ban kiểm tra xác minh được những chuyện cá nhân của cô không liên quan đến văn chương và Hội thì năm sau không cần xét, sẽ công bố luôn". Xin nhắc lại ở đây là dừng lại chứ không phải xoá tên như cô Hương Lan viết”.

“Anh nghĩ gì về câu chuyện phải có “quà” nếu muốn vào Hội nhà văn TPHCM?”, phóng viên hỏi tiếp. UV BCH Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ: “Chính bản thân tôi từng ký giới thiệu cho chàng chục hội viên mà chưa từng uống li cà phê nào. Vì nhiệm vụ của BCH cũng như những thành viên trong hội đồng chuyên môn nếu phát hiện cây bút nào, đặc biệt cây bút trẻ, có tác phẩm tốt, thì mình phải có nhiệm vụ giới thiệu họ vào Hội chứ không phải đề nghị họ tặng “quà”.

Tuy nhiên, tôi cũng không vì trường hợp cụ thể của cá nhân mình, để kết luận chung được”. Nhà văn Phùng Hiệu bày tỏ: Chưa bao giờ Hội Nhà văn TPHCM dính ồn ào có tính… lan toả như lần này.

Ông nói: “Tôi khẳng định đa số người trong BCH không biết gì về chuyện ông Phạm Trung Tín gửi tin cho cô Lan, đề cập tới quà cáp vì ông ấy không xin ý kiến BCH. Nếu ông ấy có đề xuất thì BCH đã bác rồi”. Phóng viên kết nối với Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhưng bà đang bận chuyện gia đình khẩn cấp nên từ chối trả lời phỏng vấn.

Sao lại ầm ĩ ở thời điểm nhạy cảm này?

Một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận: “Việc kết nạp hội viên đã qua hội đồng chuyên môn, qua BCH, ra danh sách, gửi thư mời dự lễ kết nạp… rồi xoá tên, thì chắc phải có vấn đề nghiêm trọng. Còn chuyện nhận tiền để giới thiệu vào Hội cũng không phải chuyện mới, có điều nói phải có bằng chứng”.

Một nhà văn xin giấu tên ở Hội Nhà văn TPHCM nói về quy trình làm việc của hội đồng chuyên môn: “Hồ sơ chuyển đến khoảng tháng 10, sau đó sẽ đưa về ban thơ, các nhà thơ sẽ đọc và chọn.

Không có yêu cầu gì về thù lao cho các thành viên hội đồng. Nhưng cũng có trường hợp người ta chủ động tìm đến đưa tập thơ đề nghị nhà thơ đọc giúp rồi gửi chút thù lao. Thù lao này không phải để xin vào Hội mà tiền người ta tự nguyện đưa, không ai vòi vĩnh”.

Quanh ồn ào vòi “quà”, nhà văn giấu tên bình luận: “Tôi cũng không hiểu vì sao câu chuyện này lại nổi lên. Tôi đoán chắc sắp đến đại hội, các “phe phái” đánh nhau. Theo tôi được biết, còn có ai đó làm đơn tố cáo BCH, tố cáo Chủ tịch Hội về chuyện tiền nong. Nhưng tôi không quan tâm tìm hiểu làm gì”.

Người châm ngòi ồn ào, bà Lương Thị Hương Lan

Một nhà thơ ở Hà Nội tích cực theo dõi thời sự văn chương phía Nam cũng có ý nghĩ tương tự: “Tất cả chuyện này không lành mạnh, thí dụ thời điểm diễn ra tố cáo, tại sao bây giờ mới tố? Thêm nữa, tất cả những chuyện liên quan tham nhũng, tiền bạc đều rất dễ hại nhau. Theo tôi, người muốn làm rạch ròi chuyện này sẽ làm theo cách khác, chứ không phải tung lên mạng xã hội. Tạo ồn ào trong thời điểm nhạy cảm phải chăng vì mục đích khác?”.

Bà Lương Thị Hương Lan giải thích sự im lặng quá lâu của mình với phóng viên: “Thời gian qua tôi im lặng vì tôi tập trung hoàn thành 4 tác phẩm dự thi ở NXB Kim Đồng và tôi còn vẽ tranh, nên bỏ tiêu cực ra ngoài để sáng tác”. “Bà có hối hận vì tung chuyện lên mạng xã hội?”, phóng viên hỏi.

Bà Hương Lan đáp: “Tôi không hối hận vì tôi đã nói được nỗi lòng của mình”. Phóng viên hỏi tiếp: “Bà có lường trước sẽ bị kiện ngược?”. Nhân vật châm ngòi ồn ào khẳng định: “Những gì tôi đưa lên mạng đều có bằng chứng cụ thể như ghi âm hay tin nhắn trên Zalo. Tất cả chứng minh sự thật, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ảnh chụp những tin nhắn của ông Phạm Trung Tín được bà Hương Lan đính kèm bài viết ồn ào

Được biết, ngày 1/7/2024 (tức thứ Hai), Hội Nhà văn TPHCM sẽ có cuộc họp mời bà Lương Thị Hương Lan tham dự. Bà xác nhận với phóng viên, sẽ tham dự cuộc họp này để truy đến cùng đáp án của câu hỏi: Tôi phạm lỗi gì? Hãy chứng minh cụ thể, chứ không thể bắt lỗi người khác bằng những lý do thiếu căn cứ.

Mua hoa tặng mình

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Hương Lan còn đề cập đến việc, bà được một vị UVBCH Hội Nhà văn TPHCM đề nghị ủng hộ tiền mua hoa để tặng hội viên mới. Vì niềm vui kết nạp nên bà có đưa 1 triệu đồng. Bà hỏi, việc đề nghị ủng hộ tiền để mua hoa tặng mình, có đúng không?

Quanh câu chuyện xã hội hoá này, một cây bút nổi tiếng ở làng văn bình luận: “Nếu Hội không có khoản kinh phí mua hoa (trên họ không duyệt, hoặc duyệt chi ít) thì Hội xã hội hoá khoản này cũng không sao.

Những hội viên có tấm lòng hảo tâm thì đóng vào, nhưng tiền phải vào tài khoản Hội, kế toán nắm, thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, phải có báo cáo… Chứ không phải các thành viên BCH nhận, rồi tự thu tự chi. Nếu số tiền xã hội hoá để mua hoa này kế toán không biết thì phiền rồi. Cần phân biệt xã hội hoá với tham nhũng vặt”.

Một nhà văn khác lại nghĩ: “Xã hội hoá để mua hoa cũng được nhưng nên đề nghị những người khác, ai lại đề nghị người sắp thành hội viên đóng góp để tự tặng hoa cho mình?”.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-06-29T23:17:34Z dg43tfdfdgfd