ĐOàN Tụ GIA đìNH SAU 33 NăM Bị BáC Sĩ BắT CóC

33 năm trước, vợ chồng Lại Sĩ Kiệt được thông báo rằng con trai đã chết lưu nhưng thực tế, bác sĩ đánh cắp đứa trẻ để đưa cho một cặp vợ chồng nghèo hiếm muộn.

Lại Sĩ Kiệt (sống tại Ôn Châu, Trung Quốc) nhớ lại 33 năm trước: "Chỉ một năm sau khi đứa con đầu lòng chào đời, vợ tôi mang thai lần hai. Vì đứa đầu ra đời bằng phương pháp sinh mổ nên vết mổ chưa lành hẳn và nó đã bục ra vào tháng thứ sáu của thai kỳ".

Ngày 4/6/1991, tại bệnh viện, bác sĩ tiên lượng tình trạng của thai nhi rất xấu, khả năng không giữ được. Sau khoảng một tiếng phẫu thuật, bác sĩ bước ra và thông báo đứa trẻ chết lưu. Dù đã chuẩn bị tinh thần, ông Lại vẫn rất đau lòng khi nghe con qua đời. Ông nói sự việc này khiến gia đình đau khổ, day dứt đến tận bây giờ.

"Lúc đó, tôi cảm thấy như bầu trời sụp xuống, tôi thậm chí không thể đứng vững. Chúng tôi còn không được nhìn thấy đứa trẻ vì họ đã mang đi ngay lập tức. Vợ tôi lúc đó đang được gây mê toàn thân và không biết gì cả", ông Lại cho biết.

Thực tế, bác sĩ đỡ đẻ năm đó đã đánh cắp đứa trẻ để trao cho một cặp vợ chồng không thể thụ thai.

Đứa trẻ 'đã chết' vẫn còn sống

Đứa trẻ năm ấy được cha mẹ nuôi đặt tên là Trương Hoài Viễn. Anh sống với cha mẹ nuôi tại một vùng nông thôn ở Tô Châu, An Huy, cách nhà cha mẹ đẻ hơn 400 km. Khi anh sinh ra, cha mẹ nuôi đã hơn 50 tuổi, nghèo khó. Từ nhỏ, bạn bè trong xóm thường trêu chọc anh là con nuôi nhưng mỗi lần về hỏi, bố mẹ đều phủ nhận, ông bà vẫn yêu thương và chăm sóc anh như con đẻ. Năm 17 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, Hoài Viễn phải bỏ học, đến Thiên Tân làm việc. Hiện tại, Hoài Viễn đã mở một nhà máy nhỏ, lập gia đình và có con trai 9 tuổi.

Năm 2023, hai năm sau khi cha nuôi qua đời, mẹ nuôi đã kể cho anh nghe sự thật. Lúc đó, mẹ đã hơn 80 tuổi, bà lo lắng một ngày nào đó "ra đi" và không muốn để anh lại một mình. Tháng 10/2023, với sự hỗ trợ của mẹ nuôi và dì, Hoài Viễn bắt đầu hành trình đi tìm người thân.

Tháng 11/2023, Trương Hoài Viễn gửi mẫu máu cho một dịch vụ tìm kiếm người thân. Kể từ đó, ngày nào anh cũng mong ngóng kết quả.

Ngày 15/5/2024, Trương Hoài Viễn nhận được cuộc gọi thông báo đã tìm thấy cha mẹ đẻ.

Cuộc hội ngộ sau 33 năm

Ông Lại Sĩ Kiệt và bà Lý Hiểu Cầm hiện là doanh nhân giàu có ở Ôn Châu. Đầu tháng 4, một tình nguyện viên gọi đến và nói với họ rằng người con thứ hai có thể vẫn còn sống. Dù ngờ vực, ông bà vẫn vui mừng xen lẫn hy vọng. Mặt khác, ông bà lo lắng vì nếu không phải con thì họ sẽ lại thất vọng, đau khổ.

Cuối cùng, khi dịch vụ tìm kiếm người thân gọi điện thông báo kết quả xét nghiệm ADN cho thấy Trương Hoài Viễn là con đẻ, hai người chỉ biết ôm chặt nhau khóc vì hạnh phúc. Suốt những ngày sau đó, họ ngồi canh điện thoại 24/24 vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi của con.

"Không biết bao năm nay con tôi sống thế nào, có được ăn uống tốt không, có bị bắt nạt không, ngày nào tôi cũng nghĩ về điều này. Từ ngày nhận được tin, vợ tôi đã chuẩn bị đồ ăn, quần áo mới để đón con", ông Lại nói. Tuy nhiên, ông rất vui khi biết con trai đã tự xoay xở để sống tốt dù lớn lên trong cảnh nghèo đói.

Ngày 20/5 vừa qua, khi chiếc ôtô chở Trương Hoài Viễn về đến quê nhà, người dân và gia đình đốt pháo, mở nhạc chào đón anh từ cổng làng. Dù đã nói chuyện với con qua điện thoại, ông Lại vẫn xúc động khi lần đầu gặp con trai ở ngoài. Ông nói: "Nó là con tôi, đôi mắt, cái miệng giống y hệt mẹ nó".

Cả gia đình ôm nhau bật khóc sau 33 năm xa cách. Trương Hoài Viễn xúc động nói chưa bao giờ anh nghĩ đột nhiên mình lại có nhiều người thân đến vậy. Tại buổi đoàn tụ, ông Lại tặng con trai một sổ tiết kiệm trị giá 1,2 triệu NDT (gần 4 tỷ đồng).

Gần đây, ông Lại đã đến thăm gia đình con trai ở Thiên Tân, lần đầu gặp mặt con dâu và cháu trai 9 tuổi. Ông cho biết: "Đứa con tội nghiệp của tôi đã sống hơn 30 năm mà không biết đến sinh nhật, từ năm nay trở đi, gia đình tôi sẽ cùng nhau ăn mừng sinh nhật con".

Phạm Linh (Theo Sina)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-02T07:44:59Z dg43tfdfdgfd